Đất nước đang trong công cuộc đổi mới, ngành du lịch đầy tiềm năng đang vươn mình đứng dậy. Để du lịch phát triển bền vững đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp ra thế giới cũng như cho người dân nước ta. Đứng trước bối cảnh đó, Khoa Du lịch đã được thành lập với 2 chuyên ngành đào tạo: Quản trị du lịch, khách sạn và Hướng dẫn du lịch & Quản trị lữ hành.
Những ngày đầu đào tạo, khó khăn chồng chất khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị còn thiếu thốn. Thí sinh trúng tuyển vào khoa Du lịch chưa thật hiểu biết về ngành nghề và cũng còn bỡ ngỡ với mô hình Viện Đại học Mở. Rồi địa điểm học lại phân tán, giáo trình và tài liệu học tập chuyên ngành hầu như chưa được biên soạn… Tuy nhiên một trong những khó khăn lớn nhất phải kể đến là thiếu đội ngũ giảng viên chuyên sâu về du lịch. Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập, Khoa Du lịch mới xây dựng được bộ khung quản lí bao gồm Ban Chủ nhiệm Khoa và bộ phận Hành chính văn phòng, giáo vụ; còn đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ yếu dựa vào lực lượng giảng viên của Tổ chức hỗ trợ Đại học thế giới của Canađa và giáo viên thỉnh giảng từ nhiều nguồn như các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, các vụ, Viện nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp du lịch…. Rồi ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Khoa Du lịch còn liên kết với trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh để hình thành cơ sở 2 của Khoa tại TP. Hồ Chí Minh và đã đào tạo được 4 khoá cử nhân du lịch hệ tập trung.
Bằng sự nỗ lực vượt bậc của thầy và trò Khoa Du lịch, hàng loạt khó khăn đã được nhanh chóng khắc phục. Cơ sở vật chất ổn định, khang trang hơn, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại. Quy trình quản lý giảng dạy, học tập và thi cử được thực hiện nghiêm túc theo quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của Viện Đại học Mở Hà Nội. Chất lượng sinh viên ra trường của Khoa Du lịch được xã hội chấp nhận và Khoa Du lịch từng bước khẳng định được thương hiệu của mình.
Hiện nay, Khoa Du lịch đã và đang đào tạo các hệ: chính quy, tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo và cấp chứng chỉ (Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tiến Anh du lịch, Nghiệp vụ quản trị lễ tân, Nghiệp vụ buồng, bàn, bar, Nghiệp vụ giám sát khách sạn…). Riêng đối với hệ chính quy, quy mô tuyển sinh hàng năm của khoa là 350 sinh viên cho cả 2 chuyên ngành.
Tính đến hết năm 2012-2013, tổng số sinh viên của tất cả các loại hình đào tạo đã tốt nghiệp tại Khoa Du lịch là 9.889 sinh viên, trong đó hệ chính quy, tập trung là 7.812 sinh viên, hệ tại chức là 573 học viên, đào tạo và cấp chứng chỉ là 1.504 học viên. Khoa Du lịch có quyền tự hào về họ, bởi vì số sinh viên tốt nghiệp từ mái trường này đã và đang có mặt ở khắp mọi miền của Tổ quốc, đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho ngành Du lịch nước nhà. Nhiều sinh viên trưởng thành hôm nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp, hầu hết sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn đều được cấp thẻ để trở thành Hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu của Việt Nam.
Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu của khoa là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Du lịch đã tuyển chọn được đội ngũ giáo viên cơ hữu. Họ phần lớn là những sinh viên xuất sắc của khoa được giữ lại để bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy và được biên chế thành 2 bộ môn. Đội ngũ này tuy chưa thật đông, nhưng bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu giảng dạy về phần chuyên môn và tiếng Anh du lịch. Về trình độ, khoa có Hội đồng cố vấn là 3 GS, PGS với học vị tiến sĩ. Số giáo viên còn lại là thạc sĩ và có khả năng giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh, hiện có 4 giáo viên đang làm nghiên cứu sinh. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên trẻ trưởng thành nhanh chóng, có trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, trong đó có 5 giáo viên được mời giảng dạy tại các lớp tập huấn của Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do EU tài trợ.
Bên cạnh công tác đào tạo, phong trào nghiên cứu khoa học của cả thày và trò khoa Du lịch đều được phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án, đề tài cấp Bộ, cấp Ngành đã được nghiệm thu và số khác đang được triển khai. Trong số này, đáng chú ý là đề tài cấp Bộ về Du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững tại Sapa đã thu hút được đông đảo giáo viên và sinh viên của khoa tham gia và đạt được những kết quả tích cực, ứng dụng được vào thực tiễn của địa phương. Sinh viên nghiên cứu khoa học cũng là một nét đặc thù của Khoa Du lịch. Hội nghị khoa học của sinh viên được tổ chức đều đặn hàng năm, trong đó đã lựa chọn những nghiên cứu có chất lượng nhất để gửi lên Viện Đại học Mở Hà nội và Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Hợp tác trong nước và quốc tế là một trong những thế mạnh của Khoa Du lịch. Thông qua việc hợp tác với các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, Khoa Du lịch đã có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng giầu năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Về hợp tác quốc tế, ngay sau khi thành lập, Khoa Du lịch đã hợp tác có hiệu quả với Tổ chức hỗ trợ Đại học Thế giới của Canađa (WUSC) trong việc mời chuyên gia sang giảng dạy với hợp đồng từ 2 đến 4 năm. Vì thế, hàng năm bình quân có khoảng trên dưới 3 chuyên gia, có năm lên tới 6 chuyên gia sang giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên Khoa Du lịch. Điều đó trong chừng mực nhất định đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và trình độ tiếng Anh nói riêng cho sinh viên. Nhiều tấm gương tận tuỵ trong công tác đào tạo của chuyên gia đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho giáo viên và sinh viên của khoa.
Ngoài ra, Khoa Du lịch còn có mối quan hệ với Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Canađa (ACCC), Hiệp hội Du lịch Châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội đào tạo du lịch châu Á-Thái Bình Dương (APETIT)… Một trong những kết quả thu được từ mối quan hệ này là việc ký kết và thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại Sapa giữa Viện Đại học Mở Hà Nội- Khoa Du lịch với ACCC giai đoạn 2003-2008. Chắc chắn rằng, đồng bào các dân tộc ít người ở bản Tả Van, Tả Phìn (Sapa) khó có thể quên được những hình ảnh của thầy, trò Khoa Du lịch và chuyên gia Canađa “cầm tay chỉ việc” giúp họ thu nhận kiến thức và kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng trên mảnh đất thân yêu của mình.
Để có được kết quả khả quan, không thể không đề cập tới phong trào sinh viên. Vào những ngày thứ 2, thứ 5 trong tuần hay những ngày hội, đâu đó trên đường phố Hà Nội thấp thoáng những tà áo dài mầu thiên thanh. Đó chính là sinh viên Khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội. Tập thể sinh viên đã tích cực tham gia và đã đạt được nhiều thành tích trong phong trào Văn-Thể cũng như trong các cuộc thi Olympic (tiếng Anh, tin học không chuyên….), Hướng dẫn viên du lịch giỏi, cuộc thi “hành trình thăm Thăng long-Hà Nội “do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hay “Sinh viên giỏi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch”… Nhiều tấm bằng khen của các cơ quan bộ, ngành khác nhau là một phần minh chứng cho chất lượng phong trào của sinh viên Khoa Du lịch. Trong 2 kỳ thi Olympic quốc tế môn Toán và môn Vật lý do Việt Nam đăng cai tổ chức, sinh viên Khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo huy động làm hướng dẫn cho các đoàn học sinh quốc tế đi tham quan du lịch ở nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá của Việt Nam
Trong suốt 20 năm qua để ghi nhận những thành tựu đã đạt được, Khoa Du lịch đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Đó là đơn vị lao động xuất sắc của Viện Đại học Mở Hà Nội và nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng như của nhiều cơ quan khác.
Trong quá trình xây dựng và phát triển,vượt qua nhiều khó khăn cho đến nay Khoa Du lịch đã có thương hiệu trong lĩnh vực đào tạo cử nhân Du lịch. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của thầy, trò khoa Du lịch với mục tiêu chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu và phương châm: “Dạy thật, học thật, kỷ cương nề nếp nghiêm”. Về phía khách quan, đó là sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục Du lịch và đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu Viện Đại học Mở Hà nội cũng như sự hợp tác của các trường Đại học, các vụ, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, con đường phát triển của Khoa Du lịch vẫn ở phía trước dẫu có rộng mở nhưng còn nhiều gập nghềnh, nhiều thách thức lớn đã và đang đặt ra trước Khoa Du lịch trong cơ chế thị trường. Hàng loạt mâu thuẫn trong đào tạo cần phải kịp thời giải quyết…Song với kinh nghiệm của 20 năm qua cùng với quyết tâm cao của toàn Khoa, hy vọng rằng quá trình xây dựng và phát triển của Khoa Du lịch sẽ vững bước đi lên, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, thực hiện yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo “ Đào tạo theo nhu cầu xã hội”, tiến tới sự phát triển bền vững.