Tượng vua Lê Đại Hành- người con của Hà Nam
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn tại huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Nghi thức lễ tịch điền được diễn ra lần đầu vào thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và sau nhiều năm thất truyền, đã được khôi phục từ năm 2009.
Khai mạc lễ hội
Lễ hội thu hút đông đảo người dân khắp nơi đến tham gia bởi đây là dịp để mọi người nhớ lại hình ảnh một vị vua- người đứng đầu cả nước đích thân xuống ruộng đi cày cùng dân. Lễ hội kéo dài từ mùng 5 đến mùng 7 Tết âm lịch với hai phần chính: lễ và hội. Phần lễ gồm: lễ cáo yết xin Thành Hoàng cho mở lễ hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước lên chùa Đọi; lễ sái tịnh tại chùa Đọi; hội thi vẽ và trang trí trâu; lễ cầu an trên chùa Đọi; biểu diễn nghệ thuật và đốt cây bông, pháo thăng thiên; lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đi đón vua; lễ rước kiệu vua từ trên chùa xuống núi Đọi; lễ tịch điền. Phần hội tổ chức các gian hàng trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm; tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn và một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí.
Lễ rước nước
Màn trình diễn nghệ thuật hấp dẫn
Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi ông nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư. Đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Lễ tịch điền được tiến hành theo thứ tự: vua Lê Đại Hành cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá.
Một lão nông tái hiện hình ảnh Vua Lê Đại Hành
Thay trang phục
Xuống ruộng cày
Con trâu được chọn cày phải to khỏe, vóc dáng đẹp
Lịch sử ghi lại: mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Đến triều Nguyễn, lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì nhưng lễ này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định.
Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Vào năm 2010, lần đầu tiên chủ tịch nước Việt Nam (ông Nguyễn Minh Triết) cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ tịch điền Đọi Sơn.
Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý… Năm 2009 cũng là năm đầu tiên tỉnh Hà Nam tổ chức giải đấu vật tại Đọi Sơn.
Từng chú trâu được trang trí cẩn thận
Lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân. Mỗi người dân Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
Lễ hội góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Duy Tiên, nơi có nhiều danh thắng đẹp.