Đường Lâm: cổ kính và dĩ vãng

 
Cuối tuần, tôi quyết định rời xa nội đô Hà Nội theo hướng ngoại thành ngược về Sơn Tây để được thỏa lòng ước nguyện: ngắm lại cảnh cũ người xưa. Tôi ngập ngừng bước qua cổng làng Mông Phụ, được xây dựng từ năm 1553 đời vua Lê Thần Tông với kiến trúc “thượng gia hạ môn” (trên nhà dưới cổng).
Cổng được xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế. Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh.
Trước kia, đây là nơi trú cho người đi tuần hay vài nông dân gánh lúa nghỉ ngơi.

Hành trình khám phá nét cổ xưa tại Đường Lâm tiếp tục với Đình Mông Phụ, nằm tại vị trí trung tâm và cao nhất làng.  Thả bộ theo con đường vào làng, đình làng Mông Phụ hiện ra mang dáng dấp kiến trúc của một bông hoa sen tỏa ra 6 hướng, với 2 lớp mái cong nghệ thuật. Đình tọa lạc ở vị trí đầu rồng; nằm hai bên hông đình còn có hai giếng cổ được coi như mắt rồng. Đình Mông Phụ được trang trí bởi rất nhiều bức hoành phi câu đối có giá trị lâu đời do vua Thành Thái ban tặng cho Làng. Trước kia đây đình là nơi họp bàn chuyện làng, chuyện nước của dân làng.

 
Địa linh nhân kiệt, chính vùng đất này đã sinh ra những người con anh hung hào kiệt cho đất nước mà tiêu biểu là Thám hoa Giang Văn Minh, hiện vẫn còn được thờ tự tại đình Giang (hay còn gọi là quán Giang), người anh hùng đã làm vẻ vang cho đất nước dân Việt bé nhỏ trước con mắt của thiên triều phương bắc.

Thong thả dạo bước trên đường gạch, ta men theo dấu chân của thời gian trở về với những hình ảnh thân thương của vùng văn hóa Bắc bộ thuộc châu thổ Sông Hồng. Thỉnh thoảng, ta lại bắt gặp hình ảnh những người dân thồ lúa về nhà. Tất cả dường như rất thân quen, bình dị, gợi nhớ về thời ấu thơ êm đềm. Đi lòng vòng quanh làng,ghé thăm một vài người bà con, tôi chợt man mác thấy bấy lâu nay mình hình như đã bỏ qua điều gì đó quá đỗi thân thương.

 
Làng cổ Đường Lâm là một ngôi làng tiêu biểu cho văn hóa bắc bộ, đương nhiên không thể thiếu hình ảnh thân thuộc của một ngôi chùa, linh hồn của làng. Thế nên ta làm sao có thể quên ghé thăm chùa Mía, nơi lưu giữ các vết tích lịch sử qua bao thăng trầm cùng ngôi làng. Chùa có 287 pho tượng và đều làm từ chất liệu vôi và mật mía.

Đến với làng cổ Đường Lâm, không khó để nhận thấy rằng dường như mọi dấu tích còn nguyên xưa giúp du khách đến đây cảm giác được nền văn hóa bắc bộ truyền thống một cách trọn vẹn. Nhờ vậy những thế hệ sau mãi không quên rằng cha ông từng sống như thế, từng có một cuộc sống giản dị chân thật mộc mạc.


Bạn còn chần chừ gì nữa mà không tìm đường đến với Đường Lâm? Còn rất nhiều điều thú vị nữa về Làng cổ đang chờ bạn khám phá. 

 


Scroll