Ninh Bình là vùng đất của kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968-1010 với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý, cũng là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ninh Bình còn là một trung tâm du lịch tiềm năng phong phú và đa dạng. Chuyến đi mang theo sự háo hức của sinh viên bắt đầu 6h30 tại cơ sở 2 – 301 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Tham gia chuyến thực tế có cô Nguyễn Thị Minh Hạnh – giảng viên học phần và cô Vũ Lệ Mỹ – giáo viên chủ nhiệm khóa 24. Sau khoảng 2 tiếng di chuyển, chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên tới Ninh Bình.
Theo gót chân chị Nguyễn Thị Lan, thuyết minh viên tại điểm, chúng tôi được biết thêm rất nhiều kiến thức bổ ích về ngôi chùa có nhiều kỷ lục Bái Đính. Khu tâm linh chùa Bái Đính nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình 15km. Chúng tôi được chiêm ngưỡng phật Di Lặc làm bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 10m, an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính; Ba pho tượng phật Tam thế cao 7m2, năng 52 tấn vàng thật nguyên khối dát vàng được xác nhận là ngôi chùa có bộ tam thế phật bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam; Những trụ cột trong điện được làm bằng bê tông sơn màu vân gỗ, hai bên hành lang được làm từ 3500m khối gỗ với 4 loại gỗ quý lim, đinh, sếu, táu và trở thành ngôi chùa có hành lang lớn nhất Châu Á; Điện Pháp chủ với hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chiều cao từ chân đài sen lên là 10m, nặng 100 tấn đồng nguyên khối dát vàng thật – đây là pho tượng lớn nhất lớn nhất Châu Á…
Tạm biệt chị Lan và cảm ơn sự hướng dẫn nhiệt tình cùng giọng nói nhẹ nhàng, duyên dáng của chị, chúng tôi trở về khách sạn, cùng nhau ăn trưa và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến hành trình tiếp theo. Chiều xuống, chúng tôi đi tham quan chùa Bích Động – một ngôi chùa cổ được xây dựng trên dãy núi đá vôi Trường Yên thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Chùa Bích Động còn được mệnh danh là “Thiên nam đệ nhị động” chỉ đứng sau Hương Tích. Rời chùa Bích Động, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến đền Thái Vi tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Dọc theo con đường mòn đến với đền Thái Vi, chúng tôi được tận hưởng sự thư thái, yên ả của vùng quê đậm chất nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua lời kể của ông cụ sống và coi giữ ngôi đền, từng trang lịch sử vẻ vang hiện lên trước mắt chúng tôi một cách vô cùng chân thực. Cụ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lịch sử hình thành ngôi đền, thời đại huy hoàng của nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đền Thái Vi chính là căn cứ địa xưa kia mà nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông với mảnh đất địa linh nhân kiệt. Cụ còn tặng cho sinh viên chúng tôi những tư liệu đầy đủ về đền Thái Vi cùng miếng bùa giúp cho học trò chúng tôi học hành tấn tới.
Buổi tối ở khách sạn có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ quên, cùng bạn bè ca hát, bên ánh lửa, cả cô cả trò, cả trai lẫn gái đều bỏ qua mọi e ngại, bỏ qua sự nghiêm túc trong từng buổi học để trải lòng, cảm nhận những tháng ngày sinh viên tươi đẹp. Buổi tối hôm đó càng vui hơn với sự tham gia của những người bạn ngoại quốc, khác nhau về tiếng nói, phong tục nhưng họ cảm nhận được niềm vui, sự say mê của chúng tôi trong buổi giao lưu văn nghệ mà cũng góp vui bằng những lời ca, điệu nhảy. Mặc dù rất mệt mỏi sau một chuyến đi dài nhưng rất mong được đến ngày mai đi tham quan những điểm tiếp theo.
Ngày hôm sau, chúng tôi được cùng nhau đi thuyền trên dòng sông Ngô Đồng, xung quanh là những dãy núi trùng trùng, điệp điệp. Theo như lời của người lái đò, chúng tôi đi qua hết hang động, hang đầu tiên dài nhất hơn 100m, hang thứ hai và thứ ba hẹp hơn. Dưới chân những ngọn núi đá vôi kỳ vĩ, đôi bờ là những ruộng lúa xanh mướt, từng dòng thuyền nhỏ chở khách du lịch thẫn thờ trôi, tất cả như tạo nên một bức tranh thủy mặc hữu tình bậc nhất Ninh Bình.
Chúng tôi lại trở về khách sạn sau gần 2 giờ đồng hồ ngồi thuyền và có bữa cơm cuối cùng tại khách sạn. Điểm cuối cùng chúng tôi được tham quan là động Am Tiên, chỉ với 20 nghìn đồng vé vào cửa, chúng tôi được đặt chân lên chốn bồng lai tiên cảnh đẹp tựa “Tuyệt tình cốc”. Động được bao bọc bởi những dãy núi cao dựng đứng, là một thung lũng ngập nước nằm giữa lưng chừng núi. Phong cảnh hùng vĩ, nên thơ, được ôm ấp bởi núi non, cây cối xanh tươi nhưng lại đượm một nét buồn, huyền bí.
Tiếp tục lên xe để trở về với cuộc sống nơi thành thị ồn ào, thực sự chuyến đi còn để lại trong chúng tôi nhiều tiếc nuối và lưu luyến nhường nào. Chuyến đi dạy cho chúng tôi biết thêm rất nhiều kiến thức về Ninh Bình, về những điểm chúng tôi thực sự được tham quan, cả về bài học tình người, tình bạn, giúp chúng tôi biết yêu thương nhau hơn, biết thông cảm, chia sẻ cho nhau nhiều hơn trong cả chuyến đi.
Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội với chúng tôi không chỉ là nơi học tập hằng ngày mà còn thực sự trở thành một gia đình với những thành viên yêu quý. Sinh viên A1K24 sẽ nhớ mãi về chuyến đi đầu tiên ấy. Cám ơn các thầy cô khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội đã luôn tạo cho chúng em những cơ hội “Học đi đôi với hành” vô cùng ý nghĩa và bổ ích.
Một số hình ảnh: