• Tin tức sự kiện
  • KHOA DU LỊCH, VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO “PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ DU LỊCH”

KHOA DU LỊCH, VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO “PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ DU LỊCH”

Nhằm tạo ra một diễn đàn khoa học để trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng/phát triển các chương trình, các module đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động nghề du lịch; đồng thời thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các đơn vị đào tạo, đơn vị sử dụng lao động và các đối tác khác trong lĩnh vực du lịch.

Hội thảo vinh dự được đón tiếp:  PGS.TS. Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng Cục DL VN; NGUT.GS.TS. Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo nghề du lịch; PGS.TS. Nguyễn Văn Bài – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Di sản Văn hoá, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Và gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý thuộc Bộ, ngành TW và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các doanh nghiệp khách sạn và lữ hành tại các tỉnh thành và các nhà báo, phóng viên đến đưa tin về hội thảo.

Về phía Viện ĐH Mở HN có PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Hương – Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trương Tiến Tùng – Phó Bí thư Đảng Ủy, Viện trưởng; TS. NGuyễn Cao Chương-Phó Viện trưởng và đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban chức năng và các Khoa trong Viện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, PGS.TS. Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh vai trò của các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và rộng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong Thông báo kết luận số 469/TB-VPCP ngày 06/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về tình hình đào tạo nhân lực du lịch, ngày 20/10/2017, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH về áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch đối với các cơ sở đào tạo về du lịch. Theo đó, cơ chế dặc thù được thể hiện qua việc tháo gỡ một số vấn đề như độ mở của chương trình, khả năng công nhận các kiến thức đã có của người học, khả năng rút ngắn thời gian đào tạo, khả năng liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và xác định chỉ tiêu, khả năng tăng cường thời gian thực hành tại doanh nghiệp. Đây là một căn cứ quan trọng về mặt pháp lý trong việc đưa ra định hướng thiết kế chương trình đào tạo du lịch theo định hướng nghề.

Trong số các bài viết gửi về, ban tổ chức hội thảo đã chọn lọc được rất nhiều bài viết của các tác giả đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong ngành du lịch. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội thảo đã được nghe 8 báo cáo tham luận với rất nhiều ý kiến phát biểu và các câu hỏi được đặt ra để thảo luận trong trong các phiên họp.

Nội dung các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tập trung vào các nội dung chính của hội thảo về Phát triển chương trình đào tạo du lịch gắn với định hướng nghề và  Các kiến giải về chương trình thực tập và công tác tổ chức thực tập tại cơ sở lưu trú.

Hội thảo đã khép lại thành công với các ý kiến đóng góp quý báu, các chia sẻ, trao đổi thắng thắn, cởi mở từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý. Đây sẽ là những tiền đề để khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội điều chỉnh các chương trình đào tạo một cách linh hoạt hơn, đồng thời tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo của mình.

Một số hình ảnh:


 


Scroll