Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng gióng hồi trống khai giảng năm học mới
Tại buổi tọa đàm định hướng nghề, các tân sinh viên đã được chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về ngành Du lịch. Trong đó, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh về những cơ hội nghề nghiệp cũng như những yêu cầu cụ thể đối với nhân sự trong ngành Du lịch.
Du lịch là nhu cầu thiết yếu
Hơn 300 sinh viên tại buổi gặp mặt định hướng nghề đều khẳng định việc lựa chọn ngành Du lịch là hoàn toàn tự nguyện và yêu thích. Sở dĩ lựa chọn ngành học này là do sức hút của ngành Du lịch trong những năm gần đây cùng những cơ hội về nghề nghiệp.
Mở đầu buổi giao lưu, TS. Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành – TCDL đã chia sẻ về sự “cuồng chân” do phải thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Tiếp đó, TS. Thảo dẫn dắt sinh viên đến với những loại hình dịch vụ liên quan của ngành Du lịch. TS. Thảo phân tích, chứng minh cho các tân sinh viên thấy “du lịch là một trong những ngành có nhiều vị trí việc làm nhất”. Đó chính là những cơ hội, lợi thế để sinh viên sau khi ra trường dễ dàng có được những công việc theo đúng nguyện vọng. “Quan trọng hơn cả, từ đầu các bạn phải định hướng rõ ràng, xác định chính xác đích đến. Từ đó sẽ có những bước đi đúng hướng”, TS. Phạm Lê Thảo nhấn mạnh.
Theo TS. Thảo, các em chính là lứa sinh viên đặc biệt. Vì khi đại dịch qua đi, lứa sinh viên khóa 2020-2024 khi tốt nghiệp ra trường sẽ là lớp nhân sự mới đáp ứng trúng nhu cầu cần thiết của ngành Du lịch khi bước vào đà tăng trưởng mạnh như thời kỳ trước đại dịch. Mặc dù dịch bệnh nhưng những người làm du lịch vẫn rất lạc quan. Đội ngũ nhân sự của ngành Du lịch vẫn đang nỗ lực để khẳng định và chứng minh tầm quan trọng của ngành Du lịch trong đời sống xã hội. “Ngành Du lịch ngày càng phát triển và sẽ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác để đáp ứng xu hướng, nhu cầu du lịch của du khách. Các doanh nghiệp đã và đang chủ động trau dồi, nâng cao trình độ, kỹ năng để sẵn sàng cho sự bùng phát trở lại của Ngành. Các em là lứa sinh viên, là nguồn nhân sự tiềm năng của ngành Du lịch trong tương lai nên càng cần phải nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề để khi ra trường đáp ứng tốt yêu cầu của công việc thời kỳ mới. Khi đem niềm vui đến cho người khác chính là niềm vui và thành công của những người làm du lịch”, TS. Phạm Lê Thảo nhắn nhủ.
Các diễn giả chia sẻ về cơ hội việc làm cho tân sinh viên
Tuyển dụng ngay, không cần phỏng vấn
Chia sẻ về cơ hội việc làm với tân sinh viên, ông Phùng Quang Thắng – Giám đốc Công ty Lữ hành HanoiTourist cho rằng, cơ hội việc làm của ngành Du lịch tương đối lớn. Trước đại dịch, ngành Du lịch cần khoảng 40.000 lao động/năm nhưng thực tế sinh viên qua đào tạo ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người. Riêng năm nay vì ảnh hưởng của đại dịch nên nhiều doanh nghiệp du lịch thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng hoạt động. Theo dự báo thì đến năm 2024, ngành Du lịch sẽ lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 vừa qua. Du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh, tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn, du lịch đang khẳng định là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mọi nhà… Đây chính là những cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên ngành Du lịch. “Sau khi dịch kết thúc, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được bổ sung. Thế hệ các em sinh viên ở đây sẽ là nguồn nhân lực kế cận, được kỳ vọng nhiều”, ông Thắng khẳng định.
Về chất lượng đào tạo, ông Trần Ngọc Lương cho rằng, chất lượng đào tạo của Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội được thị trường đánh giá khá tốt. Đây là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công việc mà xã hội đòi hỏi. “Sinh viên tốt nghiệp khoa Du lịch Trường Đại học Mở Hà Nội nộp hồ sơ là chúng tôi sẽ tuyển dụng ngay, không cần phỏng vấn”, ông Lương khẳng định. Tuy nhiên dưới góc độ nhà tuyển dụng, ông Lương khuyên sinh viên du lịch cần phải rèn luyện 3 yêu cầu, 10 kỹ năng. Cụ thể, lễ phép, sạch sẽ và gọn gàng là yêu cầu rất quan trọng; sáng tạo và vận dụng sự sáng tạo trong công việc; tự học và học tập suốt đời. 10 kỹ năng gồm quản lý con người, giao tiếp, ngoại ngữ, quản lý quan hệ, lập kế hoạch, phân tích thông tin, quản lý tài chính, sử dụng và ứng dụng công nghệ, kỹ năng ra quyết định dựa trên phân tích và lập luận, kỹ năng kiềm chế.
Một trong những bài học quan trọng để sống được với nghề chính là phải trải nghiệm, cảm nhận và nhiệt huyết với nghề. Theo ông Thắng, với nhân viên du lịch cần phải trải nghiệm thực tế thì mới có thể cảm nhận, có cái nhìn chính xác để chia sẻ cho khách hàng. “Đối với vị trí hướng dẫn viên, để thu hút sự quan tâm của du khách, đòi hỏi phải có kiến thức nền, sâu, rộng. Trong quá trình hướng dẫn cần tập trung khai thác, giới thiệu những khác biệt của điểm đến tới du khách. Để làm được điều này yêu cầu phải thực sự nỗ lực, vận động, tìm hiểu”, ông Thắng nói.
Với các doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn có những hợp tác với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, trong đó có Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội nhằm tạo ra cầu nối, điều kiện để cùng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tài chính cho cơ sở đào tạo thông qua các dự án du lịch cụ thể. Đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ thông minh trong khai thác phát triển du lịch, trong truyền thông xã hội…