Nếu có ai hoặc bạn bè hỏi tôi “Khoa Du lịch, Viện Đại Học Mở Hà Nội đào tạo như thế nào?”. Tôi có thể tự tin trả lời họ rằng: “Tôi rất tự hào và cảm thấy thật đúng đắn khi đã chọn khoa Du lịch, Viện Đại Học Mở Hà Nội là nơi học tập, gửi gắm và nuôi dưỡng ước mơ làm du lịch của mình sau này. Đặc biệt, tôi yêu thích và tin tưởng phương pháp giảng dạy của các Thầy Cô trong khoa đối với những môn cơ bản cũng như các môn chuyên ngành, phục vụ cho ngành nghề tương lai”.
Ngay từ những năm đầu tiên học trên giảng đường đại học, các sinh viên khoa Du lịch, Viện Đại Học Mở Hà Nội đã được tiếp cận với những môn chuyên ngành từ rẩt sớm, không phải đến năm 3 hoặc năm 4. Một trong những học phần sinh viên được tiếp cận sớm từ năm nhất hoặc năm hai đó là môn Tâm Lý Du Khách và Nghệ Thuật Giao Tiếp của cô Trần Thị Nguyệt Quế – Phó Chủ nhiệm Khoa.
Đúng như tên gọi của học phần, sau khi kết thúc, sinh viên có thể trả lời được các câu hỏi như: Tâm lý du khách là gì? Tại sao lại cần phải hiểu được tâm lý du khách? Vai trò của việc hiểu được tâm lý du khách? Đặc điểm tâm lý du khách của nước đó như thế nào? Dựa vào tiêu chí nào để phân loại du khách, từ đó tìm hiểu về đặc điểm tâm lý khách theo từng quốc gia, theo lứa tuổi, theo giới tính, theo trình độ… Với những kiến thức mà cô cung cấp, sinh viên chúng tôi có thể tự tin, chuẩn bị tâm thế để có thể phục vụ khách tốt hơn và phù hợp hơn với nhiều đối tượng khách, không chỉ là khách nội địa mà còn cả thị trường khách quốc tế.
Hình ảnh nhóm thuyết trình về đất nước Nhật Bản
Học phần bao gồm 3 tín chỉ tương đương với 9 buổi học trên lớp, được giảng dạy và thi hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Các sinh viên có cơ hội làm bài tập lớn theo nhóm. Mỗi nhóm 4 người và các nhóm sẽ được bốc thăm đề tài thuyết trình về đặc điểm, tâm lý của du khách từ các quốc gia trên trên thế giới khi đến du lịch tại Việt Nam. Sau khi nhận đề tài, các nhóm sẽ đi phỏng vẫn khách du lịch nước ngoài, thu thập tài liệu và hoàn thành bài tập. Sinh viên sẽ phỏng vấn du khách nước ngoài về cảm nhận của họ khi đi du lịch tại Việt Nam, về nơi mà họ đã từng đi du lịch, phương tiện di chuyển, cảm nhận của họ khi trải nghiệm sử dụng dịch vụ của Việt Nam, về khách sạn và nhà hàng,… Đây là một bài tập vô cùng ý nghĩa, giúp chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với du khách quốc tế, trở nên tự tin và mạnh dạn hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng học cách thu thập và xử lý số liệu, đặc biệt từ đó giúp chúng tôi có thể hiểu hơn tâm lý của du khách khi đi du lịch, phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp sau này.
Sinh viên thuyết trình trong bộ trang phục truyền thống Kimono của Nhật Bản
Sinh viên FOT HOU chúng tôi đã học tập với phương pháp như vậy, không chỉ là lý thuyết sách vở, mà trên hết môn học còn cho sinh viên những trải nghiệm tuyệt vời khi trực tiếp đi phỏng vấn du khách nước ngoài và phần nào hiểu về họ hơn trong những chuyến du lịch tại đất nước Việt Nam.
Đây là một trong những học phần mà tôi vô cùng yêu thích, đặc biệt là với cô giáo Trần Thị Nguyệt Quế. Tôi luôn ghi nhớ những lời nhận xét, góp ý, và cách dạy bảo tận tình của Cô về những kinh nghiệm và cách giao tiếp với mọi người khi làm trong nghề dịch vụ. Sau những buổi phỏng vấn du khách và những buổi thuyết trình trên lớp, sinh viên chúng tôi thêm tự tin hơn, phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn. Đó chính là những gì sinh viên chúng tôi nhận được từ Cô sau môn học. Thực sự đây là một môn học rất thú vị và đáng nhớ cũng như rất bổ ích cho những sinh viên du lịch.
Nhân dịp 20/11, chúng em xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến cô Trần Thị Nguyệt Quế và kính chúc cô luôn mạnh khỏe, thành công.