• Công tác sinh viên
  • Sinh viên khoa Du lịch -Viện Đại học Mở Hà Nội với chuyến « Motorbike tour » thử nghiệm Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông – Hà Nội

Sinh viên khoa Du lịch -Viện Đại học Mở Hà Nội với chuyến « Motorbike tour » thử nghiệm Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông – Hà Nội

Còn nhớ những năm tháng đầu tiên của quãng thời gian dài đi học, chúng tôi được dạy rằng: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Ngày ấy còn trẻ thơ và mơ mộng nhiều, nhưng trong tôi đã luôn mong muốn được đi, được khám phá những vùng đất mới. Chắc hẳn rằng, đây là suy nghĩ chung, cũng như là lí do của nhiều bạn khi chọn học ngành Du lịch và hconj khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội.

Chuyến đi “Motorbike tour” đến với chúng tôi để lại đủ đầy những trải nghiệm, những cảm xúc khó quên. Đây là chương trình thử nghiệm, hành trình Hà Nội – Mai Châu – Pù Luông (Thanh Hóa) – Hà Nội, 3 ngày 2 đêm với cung đường dài gần 400km. Chương trình này được đánh giá qua quá trình đi thực tế bởi chuyên gia Ca na đa- Denis Bissonnette, thầy Vũ An Dân- Trưởng Khoa, cô Vũ Thị Kim Oanh, thầy Trần Văn Quyền cùng một số bạn sinh viên khác nhằm phục vụ cho môn học STT của sinh viên chuyên ngành hướng dẫn.



Đoàn rời Hà Nội từ sáng sớm

Các bạn còn nhớ một đoạn trong phần mở đầu có thể gọi là kinh điển của bài '' Tôi đi học'' chứ? "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ." Thật ra, không có mẹ ở đấy, và càng không có đi học vào ngày hôm ấy. Mà bởi tôi chợt nhận ra con phố sáng sớm nơi tôi đang đứng đợi người bạn đồng hành của mình đến đón bỗng đẹp như thế nào. Một ngày cuối tháng 8, sau bao chuỗi ngày nắng nóng hầm hập thì trời cũng trở nên dịu nhẹ hơn: gió mang theo hơi sương lành lạnh mơn man trên da và tóc, phố xá xe cộ và người qua lại đứt quãng. Vào thời điểm chúng tôi cùng cả đoàn gồm các thầy cô và các bạn rời khỏi Hà Nội, thời tiết đã đẹp như thế. Ấy vậy mà chưa đi hết Hà Nội, trời đã đổ mưa.

Ra khỏi Hà Nội khoảng 20km, đoàn dừng chân ăn sáng tại địa phận Hòa Bình. Đoàn chúng tôi gồm 9 người, 8 xe nối nhau đi trên đường theo khoảng cách và vị trí người đi đầu, người đi cuối đã được quyết định từ trước đó. Theo kinh nghiệm của thầy Dennis, tất cả xe máy đều bật đèn nhằm thuận tiện cho việc theo dõi thành viên trong đoàn. Thầy là người đi đầu tiên dẫn đoàn và một bạn khác chịu trách nhiệm đi cuối cùng để chắc chắn mọi người đều đi đúng lộ trình. Tùy theo địa hình đường đi là cao tốc hay đường đèo mà sẽ có khoảng cách nhất định giữa các xe với nhau để đảm bảo an toàn cũng như tránh lạc đường. Các “checkpoint” hay các điểm dừng để kiểm tra số lượng thành viên, chụp ảnh, nghỉ ngơi đều được xác định rõ ràng… Khi xăng còn một nửa là phải đổ đầy, bởi chúng tôi không thể chắc chắn rằng sẽ có trạm xăng tiếp theo nơi quốc lộ hay trên sườn núi.

Hôm ấy, ở Hà Nội ngày chúng tôi đi mưa to nặng hạt rả rích suốt ngày đêm. Lúc đầu, tôi nghĩ thật không may, cả đoàn phải đợi mưa ngớt rồi mặc áo mưa tiếp tục lên đường. Mưa bay nhẹ cho đến đèo Thung Nai thì chúng tôi đã đi qua hẳn khu vực bao phủ của mưa. Trời quang và mát mẻ. Nhưng nghĩ tích cực thì mưa là dấu hiệu cho một sự khởi đầu tốt đẹp và việc đi dưới mưa vẫn còn nhẹ nhàng và đỡ mệt mỏi hơn đi dưới nắng nhiều lần.



Đường lên Mai Châu
 
Giống như những chuyến đi lên Tây Bắc khác vào mùa này, đây là chuyến đi tìm về với một vùng xanh ngút ngàn. Con mắt nhìn qua lăng kính máy ảnh thật không đủ, chúng tôi đều như muốn mở căng mắt ra để thu hết quang cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ vào đôi mắt mình. Cảm giác ngắm nhìn quả núi xanh sừng sững, rợp bóng xuống cánh đồng ruộng trải dài, xanh mượt, lùa theo gió.. Mây trời hờ hững lưng chừng ngọn núi. Đi từ con đường uốn lượn lên xuống, chúng tôi chứng kiến xa xa trước mặt mây trắng bồng bềnh khuất rạng sau giữa những cánh núi 2 bên đường. Giống như mình sắp đi vào chốn bồng lai tiên cảnh bí mật nào đó… Ban đầu, 2 bên đường vẫn là nhà dân sinh hoạt bình thường, dần dần đi đến đường đèo chỉ còn lại những cung đường uốn lượn, tràn đầy cảm xúc cùng cảnh núi non, cây cối xanh, dàn trải cả một vùng rộng lớn. Nhìn xuống phía dưới là những dãy núi tịch mịch bao quanh con đèo, ngước mắt nhìn lên trên là dải mây trắng, là những ngọn đồi đầy cây xanh thẳng tăm tắp. Nghiêng mình theo cung đường đèo uốn lượn, chúng tôi như muốn những cơn gió đến thổi bay mọi muộn phiền, tạm quên những chuyện không vui và tận hưởng những giây phút khoan khoái ấy…

Chúng tôi đến Bản Lác, Mai Châu vào lúc trưa. Đoàn vào nghỉ tại một “homestay” quen thuộc, ngay phía bên trái đường vào Bản Lác. Cô chủ nhà là người dưới xuôi cười rất tươi và nói chuyện hỏi thăm mọi người. Chúng tôi háo hức lên phòng “dorm” (phòng tập thể) và nhanh chóng chọn cho mình chiếc đệm đôi bên cạnh cửa sổ. Sau khi ổn định đồ đạc và nghỉ ngơi đôi chút, cả đoàn đi ăn trưa. Đồ ăn nơi đây rất ngon, đặc biệt là thịt gà, thịt lợn, susu. Người dân chủ yếu kinh doanh mặt hàng thổ cẩm: bán túi, quần áo, móc khóa, cho thuê quần áo và dihcj vụ “homestay”. Buổi chiều, chúng tôi dành thời gian trước bữa tối để đi thăm thú và mua sắm. Đây cũng là lúc bản nhỏ trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Những người phụ nữ tụ họp nhau tại sân có mắc sẵn lưới bóng chuyền từ trước để chơi bóng. Buổi tối, chúng tôi có dịp được xem múa rạp, nghe những giai điệu dân tộc đậm đà bản sắc.
Ngày thứ 2, chúng tôi khởi hành đi Pù Luông (Thanh Hóa). Đây là khu bào tồn thiên nhiên còn khá hoang sơ và có ít hoạt động du lịch. Khu bảo tồn này mới bắt đầu được khai thác nên chưa được biết đến rộng rãi và hiện nay chỉ có duy nhất một cơ sở lưu trú đảm bảo chất lượng phcuj vụ du khách là: Pù Luông Retreat. Đường lên đây quanh co và uốn lượn nhưng có phần nguy hiểm hơn so với cung đường lên Mai Châu.



Vượt qua những đoạn đường đèo khó đi
 
Pù Luông Retreat là khu nghỉ dưỡng theo mô hình sinh thái, là một lựa chọn lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, muốn tách ra khỏi cuộc sống thường ngày ồn ào để tìm về một nơi thư giãn thực sự yên bình và hòa mình với đất trời, thiên nhiên. Có 3 loại phòng để khách lựa chọn: Nhà sàn tập thể, Deluxe Bungalow và Suite Bungalow. Do đi theo đoàn đông, chúng tôi chọn nhà sàn tập thể. Tuy ở cùng chung trên một nhà sàn nhưng nơi đây vẫn được thiết kế theo không gian riêng cần thiết cho mỗi người.
 
Phía dưới nhà sàn là nơi trưng bày những bàn ghế làm từ tre, luồng. Phía trong nhà sàn rất thoáng, những tấm mền rủ đung đưa bay bay trong gió. Buối tối, tiếng dế kêu nhè nhẹ xuyên khắp không gian. Nằm giữa một khu bảo tồn thiên nhiên, vậy nên ở Pù Luông Retreat sẽ không có quá nhiều tiện nghi. “Ngủ ở đây là không cần đặt báo thức”, chúng tôi đã được nhân viên bật mí trước như vậy và cảm thấy vô cùng háo hức. Đúng như mong đợi, khoảng 5 rưỡi sáng chúng tôi đã được đánh thức bởi mặt trời – tuy vẫn chưa ló rạng sau núi nhưng đã đủ làm cho trời sáng bừng. Tôi vội vàng bật dậy để không bỏ lỡ khoảnh khắc bắt đầu một ngày mới ấy. Vài người trong đoàn đã sẵn sàng máy cơ trên tay và đi tìm góc đẹp để chụp ảnh. Những tia nắng sớm đầu tiên chiếu rọi, tôi bước xuống bậc thang ra " vườn" tìm đến nơi được gọi là " mỏm đá sống ảo". Chỉ đơn giản là để đứng vươn vai, ngắm trọn hình ảnh mặt trời lên, để cảm thấy mình đang hòa mình vào thiên nhiên. Một số khách từ các bungalow khác cũng chậm rãi ra ngoài hiên, ngắm khung cảnh đầu ngày. Có thể nói, Pù Luông Retreat rất đáng ít nhất một lần để đến.


Mặt trời mọc ở Pu Luong

Một hoạt động khó quên của hành trình lần này là “trekking” 12km đường đồi núi. Ngoài việc có thể khám phá ra sức mạnh tiềm ẩn của bản thân, thì đây là một cơ hội tốt để gặp gỡ và nói chuyện với người dân địa phương. Chúng tôi gặp 2 chị địu quýt đi bán, mỗi chị địu 40kg trên đường trở về khu nghỉ dưỡng. Đi được một nửa đường thì lại gặp 2 chị quay về vì đã bán xong quýt… Chị hỏi đoàn tôi từ đâu tới, sao không ở nhà mà lại đi bộ thế này làm gì… Được một đoạn thì các chị đi về trước vì còn nhiều việc ở nhà. Có đứa nhỏ thấy chúng tôi đi qua thì vẫy tôi gọi với theo: Hellooo.
 

Trekking 12km tại Pu Luong
 
Buổi tối cuối cùng, chúng tôi dành phần lớn thời gian để trao đổi nhận xét về chuyến đi thử nghiệm. Các thầy cô đã giải thích và đưa ra rất nhiều thông tin hữu ích. Để tiện theo dõi những trải nghiệm cũng như như những kiến thức cần biết về motorbiking tour Hà Nội – Mai Châu- Pù Luông – Hà Nội, mời các bạn chờ đợi sản phẩm sắp ra mắt của chúng tôi, một thước phim ngắn về hành trình này.


Thầy Dennis hướng dẫn và củng cố những kỹ năng cơ bản

Ngày cuối cùng đến thật nhanh, là ngày cả đoàn lên đường quay về Hà Nội. Đây cũng là lúc chúng tôi có cơ hội được thực hành làm tourguide từ những kiến thức học được từ 2 ngày vừa qua. Các thành viên lần lượt thay phiên nhau dẫn đoàn, kể cả các thầy cô giáo để vận dụng các kĩ năng và củng cố sự tự tin của một hướng dẫn viên. Tuy lúc đầu còn một vài sai sót, nhưng dần dần về sau qua các trải nghiệm thực tế, kết quả là từng thành viên trong đoàn bắt đầu quen và cảm thấy tự tin hơn hẳn trong việc dẫn motorbike tour. Một điều quan trọng trong mọi chuyến đi tour thế này là các checkpoint- hay điểm dừng chân tạm thời.  Mỗi một check point là một lần dừng để nhắc lại lý thuyết đã học và rút kinh nghiệm cho những lỗi sai mà mỗi thành viên đã mắc phải khi đi theo đoàn hay đóng vai trò dẫn đoàn. Sau hoạt động này, mọi người đều cảm thấy tràn đầy hứng khởi vì học được những kĩ năng mới, bổ ích và cảm giác như ngày mai có thể lên đường dẫn khách ngay. Đây là một cách học thú vị, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành khiến cho người học tiếp thu bài rất nhanh. 


Cả đoàn đều hào hứng với những kiến thức đã học được

Để tiện theo dõi thêm những kỹ năng và kiến thức cần biết về motorbiking tour, mời các bạn đón đợi sản phẩm sắp ra mắt của chúng tôi, 1 thước phim ngắn về chuyến hành trình lần này.
Chuyến đi motorbiking tour Mai Châu- Pu Luong đã mang đến những trải nghiệm, những bài học thiết thực cho chúng tôi,  giúp sinh viên tự tin hơn vào năng lực của mình. Mặc dù là một sinh viên chuyên ngành quản trị nhưng sau 3 ngày tích cực học tập, niềm yêu thích với việc làm một hướng dẫn viên đã len lỏi trong tôi lúc nào không hay, tựa như cảm giác mình có thể dẫn đoàn khách đi motorbike tour một cách tự tin dù biết rằng còn phải học hỏi rất nhiều mới có thể trở thành hướng dẫn viên. Cách học tập này còn khá mới nhưng có rất nhiều tiềm năng dẫn đến thành công. Sau chuyến đi, chúng tôi đều mong muốn chương trình này được triển khai sớm để có nhiều bạn có được trải nghiệm và kiến thức, kỹ năng như mình.

Cám ơn các thầy cô Khoa Du lịch – Viện Đại học Mở Hà Nội đã cho chúng tôi cơ hội được học tập và trải nghiệm thực tế vô cùng quý báu. Thầy cô là những người luôn tiên phong, mang lại những điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi, đồng hành cùng chúng tôi trên mọi chặng đường. Tôi yêu Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội.

 

Scroll