Các Lễ hội truyền thống ở Việt Nam: Lễ Hội Phủ Dày

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những đặc trưng văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt Nam từ xưa đến nay. Việc thờ cúng thánh Mẫu Liễu Hạnh thể hiện ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. Mẫu dạy con người biết hướng thiện, có cái tâm trong sáng biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân với nước. Có lẽ chính vì thế mà câu ca dao: “Tháng Tám hội Cha, tháng Ba hội Mẹ” đã đi vào tâm thức của mỗi người con đất Việt.
 
Hàng năm, cứ mỗi dịp tháng Ba, khách thập phương lại nô nức hành hương về Phủ Dày – nơi thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 10  tháng Ba (âm lịch) tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Du khách tới đây vừa trảy hội Phủ Dày, vừa dự lễ giỗ Mẫu, vừa thỏa nguyện tâm linh và được ngắm nhìn quần thể kiến trúc lăng, phủ vô cùng độc đáo.


Phủ Dày được trang trí rực rỡ trong ngày Hội

Lễ hội Phủ Dày hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc như múa rồng, múa lân, rước kiệu, đấu vật…Trong đó tiêu biểu và nổi bật nhất là hoạt động kéo chữ, còn gọi là Hoa trượng hội diễn ra vào các ngày mồng 7-8 tháng 3 (âm lịch). Ðây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Tục lệ này đã có hơn 300 năm.
 
Tương truyền, xưa kia vào thế kỷ 17, ở vùng Kẻ Giày (xã Kim Thái ngày nay) có bà Ngô Thị Ngọc Đài được tuyển vào phủ chúa Trịnh làm phi tần. Bà Ngọc Đài có nhan sắc lại thông minh nên được chúa Trịnh Tráng rất yêu quý. Thời ấy, lũ lụt liên tiếp khiến triều đình lao đao. Dân phu các nơi mỗi năm phải về Kinh đắp đê sông Nhị Hà (sông Hồng) hàng mấy tháng trời. Dân vùng Kẻ Giày ở hạ lưu sông Nhị cũng bị lụt lội làm cho khổ sở nhưng vẫn phải theo lệnh triều đình lên kinh đắp đê. Họ biết bà Ngọc Đài là người nhân hậu nên cử người đến gặp để xin tiền, xin gạo cứu đói. Thấy người dân cùng quê khốn đốn, vương phi cho tiền, cho gạo lại dặn dò kế hoạch lao động để xin Chúa Trịnh giúp. Hôm sau, Vương phi cùng Chúa đi xem xét việc đắp đê. Thấy phu đắp đê ăn cháo loãng, ăn mặc rách rưới, hỏi ra là dân phu Thiên Bản (bấy giờ vùng kẻ Giày thuộc huyện Thiên Bản) ở Sơn Nam, bị vỡ đê, mất mùa nhưng vẫn phải theo lệnh chúa đi phu. Vương phi nghe vậy ứa nước mắt bèn tâu với Chúa Trịnh tình cảnh khốn quẫn của dân quê mong Chúa thương tình. Chúa nghe xong đồng cảm hạ lệnh cấp phát lương thực cho dân Thiên Bản về quê lo sửa chữa đê điều ở địa phương.


Du khách thập phương dâng lễ vật cúng thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người dân Thiên Bản mừng rỡ reo hò tạ ơn vương phi. Bà Vương phi cũng vui mừng tiễn đoàn dân phu nghèo khổ và không quên dặn họ vào phủ Dày tạ ơn Mẫu Liễu Hạnh vì nhờ Mẫu phù hộ mà bà được chúa Trịnh yêu quý. Về đến quê nhà, đám dân phu mang theo cuốc, thuổng và những công cụ đào đất vào thẳng phủ Dày tạ ơn Mẫu. Nhờ người cầm đầu khéo xếp đặt, những người dân phu đã xếp thành chữ “Thánh Cung Vạn Tuế”rồi cúi lạy trước sân phủ để tỏ lòng biết ơn. Biết chuyện, Vương phi khuyên dân làng nên dùng gậy cuốn giấy, có “ngù” hoa ở đầu gậy cho đẹp và nghiêm trang hơn. Từ đó trở đi, hàng năm đến dịp lễ hội, dân làng lại tổ chức kéo chữ để nhớ lại một tích truyện xa xưa. Trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên lễ Mẫu để xin kéo chữ. Cũng có năm, lên Phủ Thông- nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh và bà Ngọc Đài để xin chữ xếp, xin được chữ gì thì dán lên bảng gỗ rồi đem treo trước phương du.


Hoa trượng hội – linh hồn của lễ hội Phủ Dày
 
Biểu diễn Hội hoa trượng phải chuẩn bị khoảng 240-280 người, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2 mét; phân chia thành 4 hoặc 8 đội, mỗi đội phân tổng cờ và đốc cờ. Tổng cờ mặc kiểu võ quan, tay cầm cờ súng; đốc cờ cầm trống tiểu; quân mặc áo vàng thắt lưng đỏ, đầu cuốn khăn đỏ, chân quấn xà cạp, gậy hoa dài 4m quấn giấy màu đỏ, đầu gậy treo "ngù" bằng tơ dứa nhuộm màu. Chỉ huy kéo chữ phải có trống cái, trống tiểu ra lệnh để tổng cờ, đốc cờ kéo quân, ém quân theo nhịp trống. Mọi người trong đội theo sự điều khiển của tổng cờ mà tiến lui, ra vào tạo thành chữ, rồi ngụp xuống tạo thành nét chữ; gậy hoa ngả theo chiều thành nền chữ. Ban giám khảo chấm điểm xong, ban lệnh bài thu quân chạy theo nhịp trống ra ngoài sân tiếp tục xếp chữ khác. Chữ kéo mỗi năm được các cụ trong làng lựa chọn kĩ lưỡng và chu đáo, thường là các chữ “Thánh Cung Vạn Tuế”, “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, “Quốc Thái Dân An”, “Thiên Hạ Thái Bình”…Kéo chữ là hoạt động dân gian cổ truyền mang tính nhân văn cao cả, đạo lý uống nước nhớ nguồn đã đi vào câu ca:

"Phủ Dày mở hội tháng Ba
Mồng 5 rước Mẫu cờ hoa rợp trời
Mồng 7 hoa trượng báo ơn
Lừng lẫy đất Việt tiếng thơm muôn đời"

Cùng với các nghi thức cúng lễ, ở khắp các đền, phủ đều diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian khác nhau như đánh cờ người, cờ đèn dưới nước,….trong suốt 10 ngày lễ.
Chính vì những giá trị văn hóa và tâm linh như vậy, lễ hội Phủ Dày đã được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, mỗi chúng ta cần có ý thức tìm hiểu, giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa và tín ngưỡng ấy để làm giàu có thêm đời sống tin thần cho dân tộc Việt Nam.
 
Scroll