Mỗi lần về quê, bạn tôi thường hỏi: “Vĩnh Phúc có đặc sản gì không?” Tôi mỉm cười và nhận được cái nguýt đáng yêu từ bạn. “Đúng là đồ keo kiệt. Quê nào chẳng có đặc sản”.
Thác Bạc Mùa Mưa
Xem nào! Vĩnh Phúc quê tôi có Tây Thiên, có Tam Đảo, có su su và còn có các lễ hội truyền thống quê hương và Lễ hội Tây Thiên là một trong số đó. Cách thành phố Hà Nội 70km về phía Tây Bắc, Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Chỉ mất hơn 1h di chuyển với xe máy hoặc ô tô riêng và khoảng 2h với xe buýt bạn đã đến được với khu du lịch Tây Thiên-Thiền Viện. Dọc đường di chuyển, bạn sẽ thấy núi non hùng vĩ, những ruộng rau su su xanh mướt cò bay dập dìu. Cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình và ngoạn mục đẹp trong từng giây, từng khoảnh khắc.khiến chuyến hành hương Tây Thiên tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình, tự tại.
Lễ hội Tây Thiên diễn ra chính thức trong 2 ngày từ 15/2 đến 17/2 âm lịch hàng năm nhưng từ mồng 2, mồng 3 Tết khách thập phương đã nườm nượp tới lễ. Ngoài lễ tế Lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi hú đáo, làm bánh chưng, bánh dày, kéo co, chọi gà.v.v.
Trước khi đến với Mẫu, khách phải qua Đền Thỏng, hay còn gọi là đền Trình để. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng.
Đền Thõng
Qua đền Thỏng là tới Đền Cậu. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu. Đền vừa được tu sửa lại vào năm 1993. Người ta lên Đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ và những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái. Đó chắc chắn sẽ là khởi đầu tốt nhất cho mỗi người khi đến với Tây Thiên.
Đền Cậu
Từ Đền Cậu chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hoặc là leo bộ đi tiếp, hoặc là đi cáp treo. Đây là nét đổi mới của Khu di tích, cáp treo được khánh thành vào năm 2013 với trang thiết bị hiện đại và đẹp mắt.
Cáp Treo
Đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến Đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Rất nhiều khách hành hương từng đến Đền Cô đã thừa nhận rằng “suối và giếng này rất thiêng”. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.
Đền Cô
Miền đất thiêng Tây Thiên nơi giao hòa giữa đạo Mẫu và đạo Phật; nơi đây thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – Bà là Vương phi của Vua Hùng Vương thứ 7. Bà đã cùng Vua Hùng mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình trịnh trị. Với những công lao đó Bà được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ chính tại Đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Tương truyền Mẫu vẫn thường hiển linh giúp các đời vua Hùng sau giữ nước, vì thế Bà đã được suy tôn danh hiệu “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương – Thượng Đẳng Phúc Thần”. Bên cạnh Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên là những ngôi đền thờ các vị mẫu thần cai quản trời, đất, núi, rừng như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Địa và Mẫu Thượng Ngàn.
Đền Thượng
Tây Thiên từ lâu đã trở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có nhiều giá trị, nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”. Tây Thiên cũng là điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp. Tây Thiên đã và đang tiến hành trùng tu tôn tạo hệ thống đền, chùa, thảo am mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa vốn có, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu.