Chùa Keo Thái Bình – Tìm về một nét cổ xưa

“Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.”
 
Mỗi khi xuân về, lòng người mong chờ một chút may mắn, mỗi người con Thái Bình lại muốn tìm về chùa Keo cổ kính của quê hương, cầu xin một năm mới an lành, hạnh phúc sẽ đến với mình và những người yêu thương.


Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt”. Ngôi chùa đã có từ trăm năm, còn lưu giữ nhiều sự tích ly kỳ.
Theo tích xưa ngôi chùa thờ Thiền sư Dương Không Lộ được xây dựng ở ven sông Hồng địa phận hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh từ năm 1061, dưới thời Lý Thánh Tông. Ban đầu chùa Keo có tên gọi là Nghiêm Quang Tự. Sư tổ của chùa chính là Lý Triều Quốc Sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không (pháp hiệu là Không Lộ). Đến năm 1167 chùa được đổi thành Thần Quang Tự, sau vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này được gọi là chùa Keo.
Năm 1611, mưa to bão lớn, nước sông Hồng lên làm ngập làng Giao Thủy, khiến dân làng phải di cư. Một số người dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới hay là Keo Hạ còn có tên gọi khác là chùa Keo Hành Thiện nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân TrườngNam Định. Còn một số dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên hay là Keo Thượng, chính là ngôi chùa Keo tôi  nói  ở đây. Chùa Keo Thái Bình được xây dựng từ năm 1630, theo phong cách kiến trúc thời Lê. Mãi đến hai năm sau đó chùa mới hoàn thành và trải qua nhiều lần trùng tu vào các thế kỷ 17,18 và năm 1941. Hiện nay, chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.


Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m2. Đi vòng quanh chùa ta có thể cảm nhận được nét xưa vẫn tồn tại nơi đây – một dấu ấn thiêng liêng cổ kính bao trùm lên ngôi chùa. Này đây bộ cánh cửa gian trung quan ở Tam quan nội, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt với những đường nét trạm trổ rồng chầu tinh xảo, tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê. Gần 100 pho tượng khu thờ phật tạo một không gian không chỉ tâm linh mà còn thể hiện nghệ thuật chạm khắc tinh xảo của nghệ nhân xưa. Kia nữa giếng nước với thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng, đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát,nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m , đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796. Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam.

 

Scroll