• Tin tức sự kiện
  • Du lịch Việt Nam phát huy nội lực, hướng tới vị thế ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Việt Nam phát huy nội lực, hướng tới vị thế ngành kinh tế mũi nhọn

 


Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

 

Sức bật mang tính đột phá

Trong hơn 6 thập kỷ vừa qua, với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực và sáng tạo của toàn ngành, Du lịch Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, nắm bắt thời cơ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân. Du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về chất và lượng, trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế của đất nước, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Nhìn lại chặng đường dài 61 năm qua, có thể nhận thấy sức bật mang tính đột phá của ngành Du lịch. Trong con mắt bạn bè thế giới, vị thế, hình ảnh và thương hiệu Du lịch Việt Nam ngày càng cải thiện một cách rõ nét. Việt Nam liên tục được vinh danh là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cao hàng đầu tại châu Á và thế giới; số lượng và chất lượng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản phẩm và dịch vụ du lịch phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; tổng thu du lịch đóng góp quan trọng trong GDP của đất nước; năng lực cạnh tranh du lịch, lữ hành được cải thiện đáng kể trên phạm vi toàn cầu; Du lịch Việt Nam đạt được nhiều danh hiệu danh giá tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới…

 

Đến nay, Du lịch Việt Nam đã hình thành được hệ sinh thái sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao và có uy tín. Công tác xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường đã chuyên nghiệp hơn. Hợp tác quốc tế về du lịch ngày càng đi vào chiều sâu. Lực lượng lao động du lịch đông đảo về số lượng và được nâng cao về chất lượng. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường và hoàn thiện hơn. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã và đang khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tại nhiều địa phương, hoạt động du lịch diễn ra sôi động, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội; các cơ quan quản lý đã chú trọng nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò của du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến, thu hút đầu tư vào du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức liên kết vùng miền, kiểm soát chất lượng dịch vụ…, góp phần quan trọng đưa Du lịch Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận giải thưởng 'Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á'

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận giải thưởng "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á"

 

Ngành Du lịch đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên là nhờ có sự quan tâm và đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, mở cửa và hội nhập, các chủ trương, chính sách, định hướng và giải pháp chiến lược phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của thời đại. Hình ảnh, vị thế quốc gia không ngừng được cải thiện và nâng cao trên trường quốc tế tạo đà tích cực cho du lịch phát triển. Đó cũng là kết quả của cả chặng đường dài phát triển với sự đóng góp quý báu của nhiều thế hệ cán bộ và người lao động trong ngành Du lịch; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành; sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí và sự ủng hộ, đồng hành của du khách trong và ngoài nước đã tạo ra nội lực tăng trưởng chủ yếu cho Ngành.

Năm 2020 và 2021 này, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục có những ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và Du lịch thế giới, Du lịch Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với quyết tâm vượt khó, với nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ngành Du lịch đã kịp thời điều chỉnh chiến lược phát triển, xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp thích ứng trong tình hình mới.

Nỗ lực vượt khó, vững vàng bước vào thời kỳ mới

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, đã đưa ra những quyết định trọng đại, mở ra bước ngoặt đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21. Đối với ngành Du lịch, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc… 

Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đồng thời với đó là phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng trước yêu cầu phát triển bền vững. Du lịch Việt Nam cần tập trung các nguồn lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp mang tính đột phá, phát huy những tiềm năng, tâm huyết, sự sáng tạo và năng động của mình nhằm hồi phục, tiến tới đạt được nhịp độ tăng trưởng cao hơn nữa, hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong những năm tới.

Để tập trung đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới được Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 trong lĩnh vực du lịch. Chương trình Hành động phát triển du lịch đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm do Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành Du lịch; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và quản lý chất lượng dịch vụ; Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Chương trình hành động cũng xác định những giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm khắc phục hậu quả COVID-19 gây ra; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi; tiếp cận, tính toán và cân bằng thị trường, trong đó vừa chú trọng đến thị trường quốc tế vừa dành sự quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa…, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch. Trong thời gian tới, khi Chương trình hành động này được ban hành, rất cần sự chủ động thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các b, ngành có liên quan, cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, các doanh nghiệp du lịch… nhằm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ tại Chương trình, đảm bảo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực du lịch đi vào cuộc sống.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cảm ơn sự hợp tác của các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với sự phát triển của ngành Du lịch trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, ủng hộ, hợp tác sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.

Tôi cũng xin trân trọng gửi lời cảm ơn và tri ân đến các thế hệ những người làm du lịch, nhất là các doanh nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang trực tiếp làm việc trong Ngành về những nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua các thách thức, khắc phục khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam thời gian qua.

Chúc ngành Du lịch Việt Nam nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.


 

TS. Nguyễn Trùng Khánh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch


 


TS. Nguyễn Trùng Khánh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch


Scroll