• Tin tức sự kiện
  • KÝ SỰ HỘI TRẠI TRẢI NGHIỆM TRUNG QUỐC DÀNH CHO SV ĐÔNG NĂM Á NĂM 2016 CỦA SINH VIÊN KHOA DU LỊCH, VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

KÝ SỰ HỘI TRẠI TRẢI NGHIỆM TRUNG QUỐC DÀNH CHO SV ĐÔNG NĂM Á NĂM 2016 CỦA SINH VIÊN KHOA DU LỊCH, VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Đây là một cơ hội lớn cho các sinh viên của Viện Đại học Mở nói chung và sinh viên Khoa Du lịch nói riêng có thêm được những kiến thức, trải nghiệm thực tế và sâu sắc hơn về văn hóa, giáo dục nước bạn, đồng thời làm mạnh hơn kết nối với các bạn bè quốc tế. Ngoài Viện Đại học Mở Hà Nội, tham gia hội trại lần này còn có sinh viên các trường tại Việt Nam như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng với các trường Đại học các nước khác trong Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia.


Ngày 1: Di chuyển và nhận phòng khách sạn
 
Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu vào 4h sáng giờ Việt Nam, xuất phát từ cơ sở 1, Viện Đại học Mở Hà Nội. Tuy đây là giờ không dễ để có thể bắt đầu ngày mới một cách tỉnh táo nhưng với tinh thần sẵn sàng trải nghiệm, cùng với sự hồi hộp háo hức, tất cả chúng tôi đều có mặt từ rất sớm và hòa vào không khí hân hoan của toàn đoàn.


Mất gần 8 tiếng để chúng tôi có thể di chuyển tới cửa khẩu và hoàn thành các thủ tục nhập cảnh. Thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc khá phức tạp và mất nhiều thời gian, nhất là với đoàn khách đông như chúng tôi, mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ từ phía các thầy cô. 


Khoảng 19h giờ Việt Nam, chúng tôi chính thức đặt chân đến khách sạn, nơi nghỉ ngơi của chúng tôi trong 7 ngày hội trại. Đây là điều bất ngờ đầu tiên khi chúng tôi được ở tại khách sạn Yeste – khách sạn 4 sao vô cùng sang trọng của Nam Ninh với diện tích phòng lớn và nội thất tiện nghi, sang trọng, hiện đại.


Chúng tôi xếp hàng nhận cơm tối và nhận phòng. Bữa cơm đầu tiên tại Trung Quốc sẵn sàng phục vụ! Không như những gì chúng tôi lo lắng về đồ ăn Trung Quốc không hợp khẩu vị người Việt Nam, bữa ăn này thực sự rất ngon, đầy đủ dinh dưỡng và có hương vị vô cùng Trung Quốc.


Ngày 2: 21/11/2016
 
Buổi sáng đầu tiên tại Trung Quốc, tất cả các trường tham dự hội trại được dự lễ khai mạc tại hội trường của trường đại học Quảng Tây. Sau đó, chúng tôi có một chuyến tham quan khuôn viên trường. Phủ lên toàn bộ ngôi trường là màu xanh tươi mát của những hàng cây cao lớn, khiến cho chúng tôi cảm thấy đây giống như là một công viên rộng lớn vậy. Khuôn viên của trường cũng khiến chúng tôi kinh ngạc vì độ rộng lớn như một khu đô thị. Những người đến đây lần đầu nếu không đi cùng đoàn chắc hẳn cũng sẽ bị lạc vài lần. 


Chúng tôi may mắn được gặp gỡ chị Thủy Tiên, tình nguyện viên của trường Đại học Quảng Tây, là người miền Nam Việt Nam, được nhà trường cử đến hỗ trợ đoàn chúng tôi. Chị là một người vui tính và vô cùng nhiệt tình, những kỉ niệm đẹp với chị sẽ còn bất ngờ và đáng nhớ hơn nữa ở những ngày sau, còn với tối ngày thứ 2 này, chúng tôi có một buổi hẹn đi lên trung tâm với “hướng dẫn viên thành phố Nam Ninh” Thủy Tiên.


Buổi chiều, đoàn chúng tôi có lịch tham dự một buổi chào mừng của sinh viên đại học Quảng Tây. Các bạn sinh viên rất thân thiện, dễ gần, tuy tiếng Anh chưa được tốt nhưng vẫn rất cố gắng trò chuyện với chúng tôi. Chương trình được diễn ra hoàn toàn do sự chuẩn bị của sinh viên với các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” đậm chất truyền thống Trung Quốc như múa lụa, đánh đàn tranh cổ, cùng với một số trò chơi không kém phần thú vị.


Đoàn Viện Đại học Mở Hà Nội cũng có những tiết mục văn nghệ đóng góp giao lưu trong chương trình nhờ những tài năng ca hát xuất sắc, trong đó có sinh viên Vũ Văn Trí của khoa Du lịch, và một tiết mục flashmob đã khuấy động cả hội trường và lôi kéo được sự hưởng ứng của tất cả mọi người. Bất đồng ngôn ngữ giờ đây đã không còn nữa, thay vào đó là những con người cùng chung nhịp điệu, hòa cùng cảm xúc.


 
 
Sau bữa tối là thời gian tự do của chúng tôi. Và đúng như những gì đã hẹn từ trước, 7h30 (theo giờ Trung Quốc), chúng tôi tập trung và lên xe buýt thẳng tiến tới Trung tâm thành phố.
Nếu bạn muốn tìm cho mình một nơi có sự náo nhiệt, hiện đại với tất cả những gì năng động nhất của thành phố Nam Ninh, hãy đến với trung tâm thành phố. Tại đây, bạn có thể mua được các mặt hàng với đủ loại mẫu mã đa dạng, nơi quy tụ tất cả các thương hiệu quần áo phụ kiện nổi tiếng của Trung Quốc cũng như thế giới với giá cả tương đối hợp lý.

Ngày 3: 22/11/2016

 

Ngày thứ 3 là ngày dành riêng để trải nghiệm và tham quan một nơi mà khi đến đây, chúng tôi  có thể chiêm ngưỡng tất cả các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Zhuang (Choang ) – dân tộc thiểu số đông dân nhất Trung Quốc, có lịch sử phát triển lâu đời, và có nguồn gốc từ cộng đồng dân cư Bách Việt thời cổ đại. Người Tráng ở Trung Quốc cũng chính là người Nùng và người Tày ở Việt Nam. Điểm tham quan này có tên là Yi Ling Yan.


Yi Ling Yan được chia làm rất nhiều khu, mỗi khu đại diện cho một nét văn hóa của dân tộc Zhuang, và ở mỗi khu chúng tôi lần lượt được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc này không chỉ bằng mắt thấy tai nghe mà còn cả bằng vị giác và xúc giác.
Màn mở đầu là âm nhạc truyền thống của dân tộc Zhuang để chào khách. Tiếp theo là một nét văn hóa khá tương đồng với văn hóa Việt Nam – nhảy sạp. Hướng dẫn viên sẽ bắt nhịp và mọi người có thể cùng nắm tay nhau nhảy theo nhịp điệu. 


Tiếp theo, chúng tôi được giao lưu hát dân ca với người dân tộc Zhuang. Những bài hát dân ca của dân tộc Zhuang có tông rất cao, nhịp điệu rất nhanh khiến người nghe có cảm giác như đang nghe tiếng chim hót vậy. Sau khi các chị người dân tộc Zhuang kết thúc phần biểu diễn của mình, họ mời khách đáp lại bằng một đoạn hát bất kì, người đáp lại được sẽ được nhận một món quà nhỏ.


Bài hát mà người dân tộc Zhuang hát chính là ca mời rượu, một loại hình ca nhạc khá đặc trưng của dân tộc này. Do đó, sau khi hát họ mời nhau uống rượu chén chúc mừng. Mỗi chén rượu này có giá 1 tệ.
Di chuyển sang khu tiếp theo là nơi trưng bày kiến trúc nhà sàn của người Zhuang và các dụng cụ mô tả đời sống sinh hoạt lao động của họ. Lối sống của người Zhuang có rất nhiều sự tương đồng với người dân tộc cùng cao tại Việt Nam do có cùng nguồn gốc. Tại đây chúng tôi đã được trải nghiệm văn hóa bằng vị giác với một số món ăn mời khách của người Zhuang như xôi ngũ sắc, bánh chưng, bánh bòn bon cùng với nước chè loãng. 


Khu tiếp theo là nơi lưu trữ các tư liệu về đời sống tinh thần của người Zhuang như cây nguyện ước, các vị thần linh, ma quỷ trong quan niệm của người Zhuang, các trò chơi dân gian truyền thống, quan niệm về sự phù hộ độ trì theo màu sắc của bậc cầu thang, hay tên của các vị thần được đặt cho các cánh cửa khác nhau…

Khu tham quan cuối cùng và cũng là điểm nhấn lớn nhất trong cả hành trình tham quan ngày thứ 3 của chúng tôi là động Yi Ling. Tôi sẽ không nói đến sự hùng vĩ hay độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho động, vì thực sự đối với chúng tôi, vẻ đẹp của động tuy rực rỡ nhưng vẫn không thể sánh bằng các động nổi tiếng của Việt Nam như Phong Nha – Kẻ Bàng, Hang Sơn Đoòng, Động Hương Tích, Tam Cốc – Bích Động,… Điều đáng để nhắc đến ở đây chính là sự bài trí sắp xếp và thiết kế của ban quản lý giúp cho du khách khi bước vào động sẽ có cảm giác thật sự đang bước vào Thiên Cung nhà trời.

Một điều đặc biệt nữa là khi tham quan, hướng dẫn viên đều nhắc nhở chúng tôi đi theo đoàn, vì sau khi tham quan xong một địa điểm, hướng dẫn viên sẽ dùng điều khiển tắt đèn tại khu vực vừa đi qua để tiết kiệm điện năng. Đây là một hành động tuy nhỏ nhưng cũng phần nào cho thấy chủ trương văn minh tiết kiệm nơi đây.

Hành trình tham quan ngày thứ 3 của chúng tôi kết thúc thành công vì mỗi người chúng tôi đều đã tích lũy được một lượng kiến thức cơ bản nhất về văn hóa của một dân tộc tiêu biểu, đặc trưng của miền Nam Trung Quốc – dân tộc Zhuang.

Ngày 4: 23/11/2016

Theo như lịch trình, ngày thứ 4 chúng tôi sẽ được tham gia các lớp học văn hóa tại trường đại học Quảng Tây như lớp học thư pháp, lớp vẽ mặt nạ truyền thống, lớp học hát các bài hát tiếng Trung, lớp vẽ tranh thủy mặc, lớp học múa quạt và võ thuật cổ truyền Trung Hoa -Thái Cực Quyền.



Tất cả đều là những lớp học vô cùng thú vị, chúng tôi đều rất hào hứng muốn tham gia, tuy nhiên do thời gian có hạn nên mỗi sinh viên chỉ được đăng ký 2 lớp học. 

 
Ngày 5: 24/11/2016

Một ngày tham quan Nam Ninh nữa lại bắt đầu. Lần này chúng tôi được tham quan các điểm vô cùng nổi tiếng tại Nam Ninh như Miếu Khổng, Bảo tàng dân tộc Quảng Tây, và khu trung tâm thương mại thành phố MixC, Chaoyang.
 
Ngày 6: 25/11/2016

Trường Đại học Quảng Tây tổ chức một cuộc thi hùng biện “Đại học Quảng Tây trong mắt em” –  PPT Contest “GXU in my eyes” dành cho tất cả các trường đại học tham dự hội trại lần này.
Tất cả các trường đại học đều cố gắng đưa đến những hình ảnh, cảm nhận sâu sắc và độc đáo nhất về Trường Đại học Quảng Tây cũng như về chuyến đi trải nghiệm Trung Quốc lần này. Song với sự sáng tạo và khả năng trình diễn tài tình của thầy và trò, đặc biệt là khả năng nói tiếng Trung Quốc siêu đẳng của các bạn khoa tiếng Trung, Viện Đại học Mở Hà Nội một lần nữa đạt giải nhất toàn đoàn, tiếp nối truyền thống hàng năm của Đoàn ta.



Buổi chiều là lễ bế mạc hội trại với màn phát biểu của đại diện các trường cùng những màn biểu diễn nghệ thuật vô cùng hoành tráng và đầu tư công phu, mang nét đặc sắc của mỗi đất nước. Viện Đại học Mở Hà Nội cũng đã góp mặt với tiết mục múa “Mái đình làng biển” chuyên nghiệp và đầy tính dân tộc.


Ngày 7: 26/11/2016

Thức dậy vào buổi sáng với suy nghĩ đến ngày về là một tâm trạng vô cùng lẫn lộn với mỗi người chúng tôi. Vui vì cuối cùng cũng đã được trở về nhà sau 6 ngày sống tại Nam Ninh, buồn vì có lẽ 6 ngày là khoảng thời gian chưa đủ để chúng tôi có thể hiểu hết về đất nước Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, con người Trung Quốc. Song những gì chúng tôi trải nghiệm và tích lũy được qua 6 ngày đó thực sự là những kiến thức quý báu và là những kỉ niệm không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Cảm ơn Nhà trường và Thầy Cô đã tạo điều kiện cho chúng em có dịp được hiểu biết hơn về nước bạn, được bổ sung kiến thức và được đem nét văn hóa và hình ảnh của một Việt Nam thân thiện, mến khách, hòa đồng, hiểu biết đến với các bạn bè Đông Nam Á.

Cảm ơn các bạn sinh viên các khoa của Viện Đại học Mở Hà Nội vì đã sống như một gia đình, yêu thương giúp đỡ nhau, cùng với sự nhiệt tình, nồng nhiệt của các bạn tình nguyện viên Trung Quốc, sự thân thiện và vui vẻ của các bạn sinh viên các trường khác, và cùng nhau có một chuyến đi thật sự hoàn hảo và thành công về mọi mặt.

Chuyến đi này chắc chắn sẽ không kết thúc bằng những giọt nước mắt, mà kết thúc bằng những nụ cười, bằng những cái ôm, những lời chúc đầy tình cảm ấm áp, và những lời hẹn sẽ gặp lại nhau trong một dịp gần nhất.

Tạm biệt Trường Đại học Quảng Tây.
Tạm biệt Nam Ninh.
Tạm biệt Trung Quốc.
Hẹn ngày gặp lại!
 

Scroll