Hội Xòe của người Tày ở Tà Chải
Người Tày ở Tà Chải vốn đã nổi tiếng với các điệu múa xòe độc đáo mô phỏng hoạt động lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây. Trước kia, điệu múa này chỉ biểu diễn phục vụ gia đình thổ ty Hoàng A Tưởng, quan khách và thống lý các vùng lân cận. Theo phong tục, vào đêm 30 Tết, khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới vang lên, người làm ở nhà thổ ty ra suối lấy nước mới thì đó cũng là lúc điệu xòe bắt đầu được biểu diễn.
Xòe Tà Chải có sự giao thoa, tiếp biến với điệu valse của Pháp. Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng (từ năm 1914 đến năm 1921) và ủng hộ sự trị vì của gia đình họ Hoàng, người Pháp đã đưa nhịp điệu của valse vào xòe khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Điều này đã tạo nên nét độc đáo và đặc sắc riêng cho điệu xòe Tày, khác với xòe Mường, xòe Thái.
Ngày nay, múa xoè trở thành hoạt động không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải. Những điệu xòe được người Tày Tà Chải biểu diễn thường xuyên là xòe chiêng, xòe nghiêng, xòe đôi, xòe đập lúa… có từ thời Pháp thuộc. Ngoài ra còn có một số điệu xòe được cải tiến và sáng tác thêm là xòe nón, xòe mò cá… Những điệu xòe này đã làm nên thương hiệu của vùng đất giàu bản sắc văn hóa trên cao nguyên trắng Bắc Hà đầy thơ mộng.
Nghệ thuật Xòe (The) của người Tày ở Tà Chải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014.