Sức lan tỏa từ các giải pháp đổi mới giáo dục đại học

Mở rộng tự chủ

Theo ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đều bám sát các quan điểm, chủ trương đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, đồng thời sát với thực tế Việt Nam và phù hợp với xu thế thế giới.

Tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng theo quy định trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phương án tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện toàn bộ các khâu trong quá trình đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Chất lượng đào tạo tiến sĩ được nâng cao

Riêng đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ, sau 2 năm thực hiện thẩm định ngẫu nhiên chất lượng luận án tiến sĩ theo quy định, việc triển khai đảm bảo khách quan bước đầu đã có tác động tích cực đến việc tổ chức quản lý quá trình đào tạo.

Từ đó, giúp các cơ sở đào tạo chủ động hơn trong tổ chức quản lý, đảm bảo thực hiện ngày càng đầy đủ và tốt hơn quy trình đảm bảo chất lượng.

Vai trò quản lý, giám sát quá trình, chất lượng đào tạo tiến sĩ của cơ quan quản lý được đảm bảo và nâng cao, giúp cho hệ thống thêm hoàn thiện.

Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo

Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đã được rà soát và điều chỉnh theo Quyết định 37/2013/QĐ-TTg nhằm phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phù hợp với chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước;

Đồng thời, mở rộng hợp lý quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bảo đảm đạt các tiêu chí quy định về chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên, quy mô diện tích đất đai, cơ sở vật chất – kỹ thuật – trang thiết bị, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước, sự huy động nguồn lực xã hội.

Tính đến năm 2014, cả nước có 428 trường đại học và cao đẳng, 58 viện đào tạo sau đại học phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước với quy mô 2.061.641 sinh viên và 91.633 giảng viên.

Quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) cũng tăng nhanh với tổng số 96.370 học viên, trong đó nghiên cứu sinh là 6.441 chiếm 7% và 89.929 học viên cao học chiếm tỷ lệ 3%.

Triển khai rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng 

Thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội về chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã triển khai rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đại học và sau đại học từ năm 2010.

Năm học 2010 – 2011, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát các chương trình đào tạo tiến sĩ và đến đầu năm 2013 và đã ra quyết định dừng 57 chương trình đào tạo của 27 trường đại học, học viện và viện nghiên cứu.

Năm 2012, bắt đầu triển khai rà soát các chương trình đào tạo thạc sĩ và đến cuối năm 2012, Bộ GD&ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh 161 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đầu năm 2014, Bộ GD&ĐT cũng dừng tuyển sinh đối với 207 ngành hệ đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng các điều kiện quy định về giảng viên.

Trong các quyết định dừng tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đều nêu rõ nếu những thiếu sót trong quá trình rà soát kiểm tra không được khắc phục…

Sức lan toả rộng trong toàn bộ hệ thống

Các giải pháp tạo sự đột phá trong từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể để sự thành công của những ngành này kéo theo sự tiến bộ của các ngành khác và có sức lan toả rộng trong toàn bộ hệ thống cũng đã được triển khai thực hiện.

Mô hình "Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng – POHE" cũng được triển khai tại 8 trường đại học lớn trên cả nước với nguồn tài trợ từ Chính phủ Hà Lan đang nhận được hưởng ứng lớn từ phía doanh nghiệp.

Mặc dù, mô hình ban đầu chỉ được xây dựng cho một số ngành cụ thể theo hướng tăng cường năng lực thực hành đáp ứng với nhu cầu sử dụng lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Từ 10 chương trình ban đầu ở 8 trường của Dự án, mô hình đã được áp dụng cho 40 chương trình khác.

Ngoài 8 trường là đối tượng thụ hưởng của Dự án, hiện nay đã có 67 trường khác quan tâm nghiên cứu học tập mô hình này để phát triển các chương trình đào tạo của nhà trườngễ

Tương tự như vậy kết quả của 35 chương trình tiên tiến được thực hiện ở 23 trường đại học dựa vào chương trình và cách thức tổ chức đào tạo của các trường đại học của một số nước tiên tiến trên thế giới đã hỗ trợ cho các trường tiếp nhận công nghệ đào tạo, chuyển giao cho các trường, khoa, ngành đào tạo khác…

Tăng cường cảnh báo nguy cơ thiếu – thừa nhân lực

Công tác định hướng trong mở ngành đào tạo mới, đồng thời có cảnh báo xã hội về thực tế thừa, thiếu nhân lực trong từng lĩnh vực cũng được tăng cường.

Việc Bộ GD&ĐT cảnh báo liên tục nguy cơ thừa nhân lực của các khối ngành kinh tế, tài chính – ngăn hùng, kế toán – kiểm toán thực hiện từ năm 2011 đã đạt được hiệu quả nhất định trong nhận thức của lãnh đạo các trường và của xã hội.

Từ năm 2011 – 2013, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các khối ngành này có xu hướng giảm liên tiếp khoảng 10% mỗi năm.

Dần hình thành văn hóa chất lượng

Văn hoá chất lượng đã dần hình thành trong các cơ sở giáo dục đại học.

Việc Bộ GD&ĐT đã quyết định thành lập 2 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên trực thuộc 2 ĐHQG hướng tới công tác kiểm định chất lượng trở thành bắt buộc đối với tất cả các chương trình đào tạo trong nhà trường.

Trong năm 2014, đã có 2 ngành đào tạo ở trình độ đại học Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính của trường Đại học Bách khoa – ĐHQG thành phổ Hồ Chí Minh là 2 ngành đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của tổ chức ABET – một tổ chức kiểm định các ngành kỹ thuật và công nghệ có uy tín ở Mỹ.

Chuyển biến tích cực trong hoạt động khoa học công nghệ

Hoạt động khoa học công nghệ đã có chuyến biến tích cực. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện rộng rãi, công khai theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, đặc biệt chủ trương gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học được tăng cường.

Số lượng đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ tăng dần hàng năm và đều gắn kết với đào tạo sau đại học.

Hợp tác quốc tế đóng góp tích cực cho nâng cao chất lượng

Công tác hợp tác quốc tế vẫn tiếp tục đóng góp tích cực cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, cả nước có 410 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động, trong đó có 346 chương trình đang hoạt động, 31 chương trình liên kết đào tạo do các bên liên kết chủ động dừng tuyển sinh hoặc do không tuyển sinh được, 33 chương trình đã hết hạn hoạt động và không được phép tuyển sinh.

Các chương trình liên kết đào tạo không chỉ góp phần tăng quy mô đào tạo của nhà trường mà còn góp phần tỉếp nhận nội dung, chương trình và góp phần đào tạo đội ngũ giảng vỉên, cán bộ quản lý.

 
Scroll