• Tin tức sự kiện
  • Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong kinh doanh du lịch theo hướng hội nhập quốc tế

Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong kinh doanh du lịch theo hướng hội nhập quốc tế


Toàn cảnh hội thảo
 

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, cùng trao đổi về học thuật và kinh nghiệm thực tiễn về tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, cách thức lấp đầy những khoảng trống giữa năng lực hiện tại và năng lực cần thiết trong nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và lĩnh vực du lịch.

Viện Đại học Mở Hà Nội thể hiện rất rõ quan điểm phát triển nguồn nhân lực nhằm phát triển quy mô, nâng cao chất lượng và giá trị thực tiễn của các hoạt động khoa học công nghệ trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2017 – 2026, tầm nhìn 2035 của Viện.

Theo TS. Lê Thị Minh Thảo – Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế của Viện, nghiên cứu khoa học công nghệ trong trường đại học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Hoạt động khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng trong các trường đại học không những là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, đồng thời tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Do đó, chiến lược phát triển của Viện Đại học Mở Hà Nội là phát triển theo hướng đại học ứng dụng.



Ban Tổ chức hội thảo và đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Đặt ra một số vấn đề về năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch của giảng viên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chỉ ra một số khó khăn như: sự thiếu hụt về số lượng và thiếu đồng bộ về chất lượng trong đội ngũ giảng viên, giáo viên du lịch; tâm lý ngại đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học do chưa đủ trình độ chuyên môn; sự không đồng bộ về cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học; khả năng tiếp cận với việc đăng ký các đề tài, đề án các cấp còn khá hạn chế; và hạn chế về trình độ ngoại ngữ.

Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên trong khoa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ThS. Trần Thu Phương – Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội đưa ra yêu cầu cho các giảng viên trong khoa cần thực hiện nghiên cứu khoa học theo các nội dung được liệt kê theo quy định về Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Đại học Mở Hà Nội, đó là: nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục và khoa học công nghệ để tạo ra tri thức và sản phẩm mới; ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ; đề xuất, tham gia tuyển chọn, tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xây dựng, triển khai, quản lý các dự án đầu tư tăng cường tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ; biên soạn sách, giáo trình, tài liệu tham khảo; xây dựng học liệu điện tử; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; xuất bản tạp chí và các ấn phẩm khoa học và công nghệ; tổ chức lưu giữ, quản lý thông tin kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức, tham gia trưng bày, triển lãm, hội chợ khoa học và công nghệ; tham gia hội nghị, hội thảo khoa học, trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học và thành tựu nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế; tham gia các cuộc thi sáng tạo và các hoạt động khoa học, công nghệ khác; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành; tực hiện các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về khoa học và công nghệ.

Tại hội thảo, ThS. Vũ Hương Giang – Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội đưa ra một số đề xuất thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập quốc tế cho đội ngũ giảng viên của khoa: chuyên môn hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức những chương trình đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu, xu hướng nghiên cứu, cách chọn đề tài nghiên cứu để tăng cường năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên; tổ chức nhiều hơn những diễn đàn trao đổi học thuật để tạo cơ hội cho các giảng viên được học hỏi, trao đổi và tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực nghiên cứu; khuyến khích giảng viên công bố các bài báo khoa học nhằm nâng cao vị thế của nhà trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tìm kiếm, bổ sung thêm tài liệu tham khảo chuyên ngành, đặc biệt là tài liệu nước ngoài để tăng cường năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên.

( Nguồn tin: http://tapchidulich.net.vn/tang-cuong-nang-luc-nghien-cuu-khoa-hoc-trong-kinh-doanh-du-lich-theo-huong-hoi-nhap-quoc-te.html )

 

Scroll