
Chiều 13/5, Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”, do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP.HCM phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội và 150 điểm cầu trực tuyến.

Tham dự hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tận dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Điều này, đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế văn hóa.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đề cập nhiều giải pháp đang được Bộ triển khai. Trong đó, phát triển giải pháp công nghệ là yếu tố giúp định hình trải nghiệm học tập nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng luôn đi đôi với chi phí cao. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, ban hành văn bản về bản đồ công nghệ số trong giáo dục số, phục vụ cho các nhà hoạch định, nhà quản lý, tổ chức giáo dục có cái nhìn tổng quan về sự phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong giáo dục.

Để GD mở và ĐH số đi vào cuộc sống, Thứ trưởng cho rằng thể chế quan trọng và phải đi trước một bước để tạo không gian cũng như nguồn lực phát triển. Nếu chỉ dừng ở mức kêu gọi, khuyến khích sẽ rất khó hiện thực hóa việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Hội thảo tập trung thảo luận về chuyển đổi số trong giáo dục, trọng tâm là chuyển đổi số trong giáo dục mở, như thực trạng về hạ tầng, nền tảng công nghệ trong quản lý, quản trị, tác nghiệp, vận hành; thực trạng trong công tác xây dựng, quản lý chất lượng, chia sẻ tài nguyên giáo dục, học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội khẳng định, đây là cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho các hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là trong giáo dục mở; các giải pháp về nền tảng công nghệ, kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho người học được tiếp cận, được công nhận kiến thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời; các giải pháp thúc đẩy sự sẵn sàng của nhà giáo trong hoạt động trên môi trường số, sự sẵn sàng của người học trong việc tiếp thu kiến thức, tích luỹ kỹ năng trên nền tảng công nghệ để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu…
Nguồn: Trường Đại học Mở Hà Nội