Tham dự hội nghị có ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; Đại sứ Việt Nam tại các nước GCC và các Đại sứ các nước tại Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, gồm 2 phiên: Phiên 1- Tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam – GCC và Phiên 2 – Khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác du lịch Việt Nam – GCC: Định hướng và giải pháp.
Toàn cảnh Hội nghị
Tiềm năng và cơ hội rộng mở khai thác thị trường du lịch Trung Đông
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định các nước GCC là thị trường tiềm năng có nhu cầu hàng đầu về du lịch. Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong việc phát triển các loại hình du lịch đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc khách du lịch. Sở hữu cảnh quan đa dạng, phong phú, với bờ biển trải dài, thiên nhiên hùng vỹ, cùng hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng phát triển, chất lượng dịch vụ ngày một được nâng cao, Việt Nam cũng trở thành điểm đến được yêu thích của các du khách trên thế giới.
Việt Nam và các quốc gia GCC có tiềm năng lớn trong việc hợp tác du lịch. Tuy nhiên, kết quả hợp tác du lịch giữa hai bên thời gian qua còn khiêm tốn, chưa khai thác hết tiềm năng của mỗi bên. Vì vậy, hội nghị được tổ chức với mục đích tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp cho du khách GCC tại Việt Nam; kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành hai bên và với các địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các đối tác ở Đông Nam Á, Nam Á trong việc xây dựng chương trình du lịch dành cho du khách GCC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu chào mừng
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, năm 2022, Việt Nam đã đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến, phục vụ 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng hơn 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 (60 triệu lượt), tổng thu khoảng 21 tỷ đô-la Mỹ. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch.
Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) được xác định là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến Việt Nam còn rất ít. Năm 2019 là khoảng 6 nghìn lượt người. Con số này là rất nhỏ so với số khách từ GCC đi du lịch nước ngoài. Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày một phổ biến, hấp dẫn du khách Hồi giáo từ Trung Đông, Nam Á với nhiều loại hình du lịch đa dạng, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch đám cưới, du lịch văn hóa và du lịch mua sắm. Chất lượng dịch vụ, cung cấp thực phẩm và sản phẩm Halal tại Việt Nam ngày một cải thiện, phù hợp thói quen, nhu cầu, thị hiếu của du khách Hồi giáo, trong đó có thị trường GCC.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc Hội nghị
Việc tổ chức Hội nghị tăng cường hợp tác du lịch Việt Nam – GCC thể hiện sự quan tâm cao của ngành du lịch Việt Nam đến các thị trường khu vực Trung Đông. Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị các diễn giả và đại biểu đánh giá sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam với các nước GCC, phân tích thực trạng và thảo luận định hướng, biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt hy vọng Hội nghị sẽ trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và các hãng hàng không của hai bên liên kết hợp tác trao đổi khách. Và sau Hội nghị lần này, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và các hãng hàng không sẽ tìm và gặp gỡ được nhiều đối tác mới, tìm được nhiều hướng kinh doanh mới, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham dự Hội nghị.
Tại phiên 1, các diễn giả tham dự đã nêu lên các tiềm năng nổi trội trong việc phát triển du lịch và thu hút khách quốc tế nói chung, du khách từ các nước GCC nói riêng. Trong đó đáng chú ý là các ý kiến trao đổi về lợi thế về sự đa dạng, khác biệt về văn hóa cộng đồng, ưu thế về phát triển du lịch MICE của tỉnh Quảng Ninh, du lịch biển, đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng của Phú Quốc, cùng với đó là hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phát triển mạnh, có chất lượng tốt, đảm bảo chất lượng quốc tế. Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện quốc tế cấp quốc gia và khu vực.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận 1
Đại biện lâm thời UAE tại Việt Nam Abdulla Ali Alhameli chia sẻ, UAE là cửa ngõ giao thương và du lịch quan trọng trong khu vực và thế giới, hàng năm tiếp đón hàng chục triệu lượt du khách quốc tế, chỉ riêng trước khi xảy ra đại dịch, hàng năm UAE đón tiếp hơn 40 nghìn du khách Việt Nam, thông qua các chuyến bay trực tiếp hàng ngày của Emirates Airlines kết nối thành phố Hà Nội – Dubai và thành phố Hồ Chí Minh – Dubai, cũng như giúp đưa hành khách của Emirates Airlines từ Vùng Vịnh, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi tới thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam được UNESCO xem là những di sản văn hóa thế giới.
“Hy vọng việc ký kết hiệp định hợp tác du lịch giữa UAE – Việt Nam tới đây sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước”, Đại biện Abdulla Ali Alhameli bày tỏ.
Giải quyết vấn đề về ẩm thực, ngôn ngữ và kết nối hàng không để thu hút khách Trung Đông
Điều hành phiên 2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá tài nguyên du lịch của Việt Nam đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn đặc biệt với khách GCC. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch của Việt Nam, đặc biệt là hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách GCC. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2019, du khách từ các nước GCC đi du lịch nước ngoài là hơn 56 triệu lượt và các nước GCC đã đón 65 triệu lượt khách nước ngoài đến du lịch. Điều đó cho thấy, GCC là thị trường nhận khách và gửi khách lớn ở khu vực châu Á, Phó Tổng cục trưởng cho biết.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu điều hành Phiên 2 của Hội nghị
So với số dân, trung bình mỗi công dân GCC đi du lịch nước ngoài 1 lần trong năm. Nhu cầu đi du lịch của người dân GCC cao, mức chi tiêu du lịch cũng cao. Tuy nhiên, trao đổi khách giữa Việt Nam và các nước GCC rất hạn chế. Vì vậy, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định GCC là thị trường du lịch tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, văn hóa,… với nhiều loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách Hồi giáo. Các nước GCC cũng là các nhà đầu tư có thể tạo ra các sản phẩm cho du khách GCC tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã lắng nghe tham luận từ các diễn giả là đại diện của Tổng cục Du lịch, các bộ, ban ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp lớn trong ngành Du lịch Việt Nam và các nước GCC và thảo luận sôi nổi để tìm ra các giải pháp cụ thể, tháo gỡ nút thắt trong trao đổi khách giữa Việt Nam với các nước GCC. Theo đó, ẩm thực, ngôn ngữ và chuyến bay kết nối Việt Nam với các quốc gia GCC được cho là rào cản khiến số du khách từ các nước GCC tới Việt Nam hạn chế. Phó Tổng giám đốc Kinh doanh của Vinpearl Peerasak Ferguson đã đề xuất các giải pháp như cung cấp chứng nhận về thực phẩm Halal; nhà thờ nguyện Hồi giáo tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng; thảm cầu nguyện và kinh Quran tại phòng nghỉ của khách tới từ các nước GCC.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng, cần nâng cao hiểu biết về nhu cầu, sở thích, phong tục tín ngưỡng, tôn giáo của ngành du lịch Việt Nam với dòng khách từ các nước GCC; xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với dòng khách GCC. Ông Thủy đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức đối ngoại về các nước GCC, bao gồm nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, tâm lý giao tiếp phục vụ đối tượng khách đến từ các nước GCC cho đội ngũ nhân lực du lịch các địa phương; tổ chức các khóa học tiếng Ả Rập;…
Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil Al-Dahlwy bổ sung giải pháp về tăng cường khai thác các chuyến bay thẳng kết nối giữa Việt Nam và các nước GCC. Ông cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chính sách cấp thị thực cho du khách tới từ các quốc gia GCC, đặc biệt là thị thực điện tử.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận 2
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự hiện diện của các đại biểu quốc tế là các đại sứ các nước thuộc GCC tại Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, blogger, nhà báo, KOL từ thị trường GCC. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, khai thác thị trường Trung Đông sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam tiếp cận với thị trường du lịch Hồi giáo rộng lớn ở Nam Á và Tây Á.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu bế mạc Hội nghị
Hội nghị lần này là cơ hội tốt để những người làm du lịch, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước GCC trao đổi chia sẻ thông tin, đưa ra các ý tưởng, kiến nghị nhằm hợp tác, khơi thông dòng chảy đầu tư cho du lịch, khách du lịch hai chiều giữa Việt Nam và các nước GCC.
Thông qua các ý kiến, tham luận, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc trao đổi khách giữa hai bên như thiếu các định hướng chính sách cụ thể để thúc đẩy trao đổi khách hai chiều; thiếu sự chủ động tham gia của các địa phương, doanh nghiệp; thiếu thông tin về các sản phẩm, dịch vụ của du lịch Việt Nam tại các nước GCC;…
Để có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hợp tác phát triển du lịch của hai bên trong tương lai, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã tổng kết một số đề xuất: (1) Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện hơn nữa thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch từ thị trường GCC nói riêng và Trung Đông nói chung, đồng thời tăng cường hợp tác, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác công – tư hướng tới khai thác, phát triển thị trường tiềm năng GCC; (2) Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước GCC tiếp tục hỗ trợ để có thêm thông tin về thị trường khách, các nhu cầu, xu hướng, tạo điều kiện để các địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam kết nối với thị trường, với các doanh nghiệp đối tác ở các nước GCC và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa cũng như kết nối hàng không thuận lợi giữa Việt Nam và các nước GCC; (3) Cơ quan ngoại giao sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy để Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam, các điểm đến hướng tới thị trường khách GCC; (4) Có nhiều hơn các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam, cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động marketing điện tử trong phát triển thị trường, xúc tiến thông qua các kênh quảng bá trực tuyến, mạng xã hội…; (5) Có kế hoạch đầu tư nghiên cứu thị hiếu, tâm lý khách Việt Nam và các nước GCC để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.