NGÀNH QUẢN TRỊ DỊCH VỤ DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH

Du lịch đã và đang thể hiện là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có bước tiến ngoạn mục, được ghi nhận trên bản đồ du lịch thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng (tăng trên 16% so với năm 2018).

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam về “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” là một bước đột phá lớn cho sự phát triển của du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020 với quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Một trong những giải pháp quan trọng được đề cập tại chiến lược này chính là phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm, toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động, nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 25.000 lao động, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên trong khi nhu cầu lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 15%. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 5,5 – 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030, ngành du lịch sẽ tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp. Như vậy, thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục cần lượng lớn lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ lĩnh vực du lịch. Những điều này đã khiến Du lịch ngày càng trở nên “hot” và hứa hẹn mang lại cơ hội phát triển lâu dài trong nghề nghiệp. Chưa bao giờ cánh cửa vào đời thông qua ngành Du lịch lại rộng mở đến thế.

Dù vậy, cánh cửa chỉ thực sự mở rộng và tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ với những người được trang bị tốt về kỹ năng, kiến thức và thái độ làm việc. Trong số những người có đủ năng lực thì việc sở hữu tấm bằng Cử nhân Du lịch sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, một trong những băn khoăn lớn đối với các bạn trẻ đang chuẩn bị rời khỏi trường PTTH là đầu tư thời gian ở đâu để có được tấm bằng Cử nhân Du lịch có giá trị, đồng thời phù hợp với năng lực học tập, tài chính và thời gian của bản thân? Những cơ sở đào tạo với sản phẩm đào tạo đầu ra có chất lượng cao thường là những “cánh cổng cao vời vợi” về mặt học thuật và/hoặc về mặt tài chính với nhiều bạn trẻ. Ngược lại, “những cánh cổng không cao” nhiều khi lại là nơi các bạn sẽ mất một số năm học hành nhưng không được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết, hoặc bằng cấp có thể không được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

 

Vậy đâu là “cánh cổng không cao” nhưng lại mở ra con đường chắc chắn và nhanh nhất tới các nhà tuyển dụng? 

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn này, với tôn chỉ “Tạo cơ hội học tập cho mọi người”, ngành Du lịch của Trường Đại học Mở Hà Nội luôn hướng tới nhóm học sinh có kết quả học tập không cần quá cao nhưng có tiềm năng phát triển và giúp nhóm này trở thành những ứng viên giỏi trong mắt các nhà tuyển dụng. Với định hướng này, điểm thi hoặc xét tuyển đầu vào với ngành Du lịch thường không phải là “bất khả thi” với học sinh có nguyện vọng.  

Đảm bảo người học đi đúng theo thực tế, Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành với 2 hướng chuyên biệt cho 2 lĩnh vực chính trong ngành Du lịch là Khách sạn và Lữ hành với hai chuyên ngành cụ thể là chuyên ngành Quản trị Du lịch, Khách sạn và chuyên ngành Quản trị Lữ hành và Hướng dẫn Du lịch. Với phương châm “Dạy thật – Học thật – Kỷ cương, nề nếp nghiêm” cùng với triết lý: “Chất lượng – Thực tiễn – Dễ học”, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của Trường Đại học Mở Hà Nội đã cung cấp cho ngành hàng chục nghìn nhân lực có chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, bồi dưỡng ngắn hạn. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp từ ngành Du lịch của Trường Đại học Mở Hà Nội luôn đạt trên 90%. 

Năm 2019, Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội được vinh danh là 1 trong 5 đơn vị đạt danh hiệu “Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiêu biểu của Việt Nam năm 2019” và là cơ sở đào tạo về du lịch bậc đại học duy nhất ở miền Bắc Việt Nam được xướng danh ở hạng mục này trong Lễ Vinh danh và trao tặng giải thưởng du lịch năm 2019. Đây cũng là năm đầu tiên ngành Du lịch vinh danh các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch tiêu biểu trên cả nước.

 

Đặc biệt, là một trường nằm trong hệ thống công lập nên mức học phí được thu đúng theo các quy định của nhà nước đối với các trường công lập. Điều này cùng với sự cam kết về tính minh bạch trong tài chính, không có các loại “phí ẩn” đã khiến Trường Đại học Mở Hà Nội nói chung và Khoa Du lịch nói riêng là một cơ sở đào tạo có tính “dễ chịu” về mặt tài chính cho sinh viên.

 

Ngoài sự “dễ chịu” về mặt tài chính thì sự “yên tâm” về mặt chất lượng đào tạo cũng được Khoa và Trường hết sức quan tâm gây dựng. Chương trình đào tạo, giáo trình, hoạt động đào tạo được sự tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới của Canada (WUSC), Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và các doanh nghiệp trong ngành Du lịch ngay từ những ngày đầu. Đặc biệt, từ ngày thành lập năm 1993, khoa Du lịch với sự hỗ trợ của tổ chức WUSC luôn duy trì được sự hiện diện của các chuyên gia, giảng viên du lịch người Canada hỗ trợ khoa trong công tác biên soạn giáo trình và giảng dạy trực tiếp cho sinh viên bằng tiếng Anh.

Phương châm “Dạy thật – Học thật – Kỷ cương, nề nếp nghiêm” đã trở thành thương hiệu của ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của Trường Đại học Mở Hà Nội và chính điều này giúp sinh viên dễ dàng vượt qua các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp về ý thức, thái độ phục vụ của nhân viên. Nghiêm khắc trong công việc nhưng các thầy, cô giáo luôn gần gũi và quan tâm tới từng sinh viên. Bất cứ lúc nào cần, sinh viên luôn có thể tiếp cận được với các thầy, cô giáo dù là người giảng dạy trực tiếp, cố vấn học tập, cán bộ giáo vụ hay cả Ban Lãnh đạo Khoa.

Để giúp sinh viên tiếp cận được gần nhất với môi trường làm việc thực tế và có sự gắn kết chặt chẽ với ngành, chương trình học được thiết kế theo hướng học và thực tập tại doanh nghiệp, tương tự với mô hình của các trường đào tạo du lịch ở các nước du lịch phát triển như Thụy Sỹ.

 

Nhà trường cũng đã xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với rất nhiều các doanh nghiệp du lịch lớn và uy tín trong và ngoài Hà Nội như các khách sạn thuộc tập đoàn IHG, cụm khách sạn Hilton Opera Hà Nội và Hilton Garden Inn, cụm khách sạn Novotel Thái Hà và Novotel Suites Hà Nội, Sofitel Legend Metropole, Sheraton,  Melia, Pullman, Lotte, Daewoo,  Lăng Cô Beach Resort, tập đoàn FLC, Công ty Exotravel tại Hà Nội, Công ty Vietnam tourism tại Hà Nội v.v… Đồng thời, rất nhiều các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong việc phối hợp cung cấp nhân lực, hoạt động thực tập, kiến tập tại cơ sở. Bên cạnh đó, rất nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa từ các doanh nghiệp được thực hiện hàng năm thông qua phần thưởng cho các Hội thi nghiệp vụ du lịch, các quỹ học bổng dành cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối như Quỹ học bổng của khách sạn Daewoo Hà Nội, quỹ học bổng của tập đoàn FLC… 

Lịch học của các lớp, các nhóm sinh viên cũng được thiết kế linh hoạt để phù hợp với chủ trương giúp sinh viên có thể vừa đi học vừa đi làm theo đúng phương châm “Kiến thức, lý thuyết là kho báu – Thực hành là chìa khoá”. Ngay khi mới vào trường, các sinh viên đã được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp thông qua các chuyến tham quan thực nghiệp (hotel/company visit). Sau khi hết năm học thứ nhất, sinh viên đã được trang bị những kỹ năng cơ bản và được tạo cơ hội tiếp cận với công việc. Được thực hành, thực tập có hưởng một phần thù lao không phải là điều xa lạ đối với những sinh viên năm thứ 2 và thứ 3. Lựa chọn công việc chứ không phải là tìm việc là điều mà nhiều sinh viên năm cuối thường nghĩ tới. Nhờ những điều trên, sinh viên có thể tự hỗ trợ tài chính cho sự nghiệp học hành của mình.

Đặc biệt, sự linh hoạt của phương thức đào tạo theo tín chỉ mà ngành đang áp dụng có thể cho phép những sinh viên có năng lực và biết quản lý thời gian tốt có thể hoàn thành chương trình đào tạo 4 năm trong 3 năm học hoặc thậm chí nhanh hơn.

Có thể thấy, các mối lo về mặt học thuật, tài chính và hỗ trợ việc làm có lẽ sẽ không còn là vấn đề bận tâm lớn với các bạn học sinh muốn có bằng Cử nhân về lĩnh vực Du lịch khi quyết định lựa chọn Khoa Du lịch – Trường Đại học Mở Hà Nội. Nói theo một cách khác, đây là một nơi thực sự mở rộng đầu vào, hỗ trợ học tập và xây dựng đầu ra, mở ra cánh cửa và chắp cánh vào đời cho những học sinh có đam mê và mong muốn xây dựng sự nghiệp của mình trong ngành Du lịch.

Scroll