Hoạt động thực tế của giảng viên FOT-HOU

Ngày 18/04/2021, khoa Du lịch Đại học Mở Hà Nội đã có buổi thực tế tại Lương Sơn Tiên Quán, một đạo quán của Đạo thờ Tổ Tiên của người Việt tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ở đây không chỉ thờ cúng và thực hiện các nghi lễ truyền thống của đạo thờ Tổ Tiên của người Việt, Lương Sơn Tiên Quán còn thờ cúng nhiều vị thần, thánh trong trong tâm thức ngưỡng cầu của người Việt từ rất xa xưa.

 

Cán bộ, giảng viên Khoa Du lịch đã được đến tham quan, tìm hiểu các nơi thờ tự và thực hành nghi lễ tại Lương Sơn Tiên Quán. Trong buổi thực tế, nhà nghiên cứu về văn hóa tâm linh Đàm Lan, đệ tử của Đạo trưởng tại Lương Sơn Tiên Quán, đồng thời cũng là cựu sinh viên A2K9 Khoa Du lịch, Đại học Mở Hà Nội đã giới thiệu và chia sẻ những thông tin cơ bản về tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo;  nguồn gốc và ý nghĩa của những ngày lễ trong truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam như: tại sao lại cúng lễ ngày rằm, mùng một, ngày giỗ, ngày tết, ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, 23 tháng chạp, tết hàn thực, tết đoan ngọ, tết cơm mới… cách thức thế hệ các cụ xưa thực hiện các nghi lễ đó ra sao… các vị thần, thánh từ ngàn xưa được người Việt kính ngưỡng được thờ trong đạo quán và mối liên hệ của các vị ấy với đời sống tâm linh, văn hóa, tinh thần, cuộc sống hiện sinh của con người trong giai đoạn hiện tại.

 

Hệ thống các vị Thần Tiên được thờ cúng tiêu biểu có thể kể đến theo từng điểm thờ tự như sau:

 

Linh Tiêu Bảo điện: là nơi thờ các vị Thần Tiên tối cao, trong đó có các vị Thần tiêu biểu như Tam Thanh Lão Tổ: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn (Đạo bảo); Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn (Kinh bảo); Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn (Sư bảo); Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cửu Thiên Vũ Đế Hưng Đạo Đại Vương (Trần Hưng Đạo); Nam Tào, Bắc Đẩu… phía cùng ngoài cửa là vị Hỏa Thần Vương Linh… Mỗi vị Thần Tiên đều có chức năng nhiệm vụ riêng trong hệ thống tâm linh, đời sống của vạn vật cũng như trong đời sống của mỗi con người.

 

Thanh Linh động hay động Tam quan: Là nơi chính cung thờ các vị như: Tam Quan Đại Đế; Táo Vương Thiên Đình; Tứ Bất Tử; Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương; Tứ trực công tào; Thiên lý nhãn; Thuận phong nhĩ…

 

​Tam Quan Đại Đế gồm ba vị: Thượng Nguyên ban phúc Thiên quan, ngày rằm tháng giêng giáng hạ ban phúc cho nhân gian; Trung Nguyên Xá Tội Địa quan, ngày rằm tháng bảy giáng hạ xá tội cho nhân gian và các vong hồn nơi địa phủ; Hạ Nguyên giải ách Thủy quan, giáng hạ vào ngày rằm tháng mười giải những tai ách, bệnh tật và những tai họa về nước cho con nhân gian.

​Táo Vương Thiên Đình – Cửu linh Thiên quân táo phủ thần quân: phụ trách tất cả những việc tấu, cáo của nhân gian.

​Tứ Bất Tử: Bốn vị thần không bao giờ mất của người Việt bao gồm: Tản Viên Sơn Thánh; Phù Đổng Thiên Vương; Chử Đồng Tử Đế Quân và Liễu Hạnh Công Chúa. Đây cũng là bốn biểu tượng và mong ước thiêng liêng của người Việt từ ngày đời nay đó là đấu tranh, chinh phục và hòa mình với thiên nhiên (Tản viên Sơn Thánh); chống lại ách xâm lược của ngoại bang giữ nguyên bờ cõi (Phù đổng Thiên Vương); Xây dựng hạnh phúc gia đình và làm giàu cho gia đình, quê hương, đắc đạo thành Tiên (Chử Đồng Tử Đế Quân) và đức hạnh, tài hoa của những bậc nữ trung hào kiệt mang ra giúp dân giúp nước…

 

Ngoài ra còn rất nhiều các vị Thần Tiên khác với những công trạng hào hùng, đóng góp tài năng và đức độ trong lịch sử xây dựng và giữ gìn đất nước của dân tộc như Hùng Vương Thánh Tổ; Huyền Thiên Trấn Vũ; Long Đỗ Đại Vương; Thượng ngàn công chúa; Liễu Hạnh công chúa, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan…và các vị tổ sư của các nghề như: tổ sư của nghề giáo, văn chương (Văn Xương Đế Quân); Tổ sư nghề xây dựng (Lỗ Ban Tổ Sư); Tổ sư ngành y dược (Dược Vương Tiên Y); Tổ sư ngành tài chính (Cửu Thiên Vũ Đế Võ Tài Thần)…

 

Còn nhiều khu vực tham quan ý nghĩa khác nhưng do thời gian hạn hẹp, đoàn chưa được tìm hiểu chi tiết như: Đông Nhạc Cung, Thủy Cung, Giếng Tiên, Cổng Trời, đỉnh Thượng lầu, Ngũ nhạc chân hình đồ… Chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị vào dịp tới.

 

Điểm đặc biệt ở Lương Sơn Tiên Quán chính là cách hành lễ và thực hiện các nghi lễ theo đúng nghi lễ cổ truyền xưa, và trước khi thực hiện nghi lễ luôn luôn được người chủ lễ giới thiệu chi tiết về nghi lễ, về lịch sử, quyền năng của vị thần khấn lễ, mục đích và ý nghĩa của khoa lễ tới những người dự lễ. Và khu vực thờ cúng, hành lễ đều là các khu vực hang động với không gian rộng rãi, có nhiều vật chất tự nhiên có hình tướng tương tự với các linh vật, được kết nối với những vị Thần Tiên được thờ cúng.

.

Nhà nghiên cứu Đàm Lan còn chia sẻ cách thực hành nghi lễ theo truyền thống và phong tục. Ví dụ như ý nghĩa của cách chào, tấu lễ, hành lễ theo truyền thống của người Việt, đến những cơ sở thờ tự như đình, đền, miếu, phủ… cách bái lễ, hành lễ ra sao và ứng sử như nào với người quản lý cơ sở đó cũng như những vị Thần ngự ở nơi đó, hay nguồn gốc của những câu thành ngữ, tục ngữ như “đi lễ cả năm không bằng rằm tháng giêng”, “nổi cơn tam bành”, “trên đầu ba tấc có thần minh”…. Đây đều là những kiến thức, nghi thức cơ bản, quan trọng trong đời sống tinh thần và cần được quan tâm nghiên cứu, phổ biến rộng rãi.

 

Trong thời gian tới, khoa Du lịch Đại học Mở Hà Nội mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đạo trưởng và các thành viên của Lương Sơn Tiên Quán để tổ chức các buổi tham quan thực tế theo chuyên đề cho các thế hệ sinh viên hiểu rõ hơn về Đạo thờ Tổ Tiên cũng như các tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Scroll